Trong những năm qua, du lịch sinh thái, đặc biệt du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp nguồn lợi trái cây, làng nghề, sinh thái nhân văn đã và đang phát triển nhanh chóng và trở thành mục tiêu phát triển của nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, trong đó có Vĩnh Long. Ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng, phát triển du lịch sinh thái đã và đang mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho quốc gia cũng như cộng đồng người dân các địa phương, nhất là người dân ở các vùng sâu, vùng xa - nơi có các khu bảo tồn tự nhiên và các cảnh quan hấp dẫn. Ngoài ra, du lịch sinh thái còn góp phần vào việc nâng cao dân trí và sức khỏe cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục môi trường, văn hóa lịch sử và nghỉ ngơi giải trí. Chính vì vậy, quan điểm chủ đạo xuyên suốt đối với phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp thực sự quan trọng vào công cuộc phát triển của vùng, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vào nỗ lực xóa đói giảm nghèo cho người dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của vùng/tỉnh, nâng cao vị thế ngành du lịch trên cơ sở khai thác có hiệu quả và bền vững những lợi thế về vị trí, tài nguyên của Vùng
[1]. Đặc biệt, mục tiêu này đã được cụ thể hóa trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015: “Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển du lịch sinh thái kết hợp tham quan di tích lịch sử, làng nghề… lượng khách tăng bình quân 20%/năm trong giai đoạn 2010-2015”
[2].
Vĩnh Long nằm ở vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, giữa hai con sông: sông Tiền và sông Hậu, được phù sa bồi đắp quanh năm, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho ruộng vườn tươi tốt, cây trái phát triển. Vĩnh Long vốn có lợi thế về địa hình sông nước, thích hợp cho du lịch sinh thái. Đó là những cồn cát tự nhiên, nơi có những vườn cây ăn trái và nét riêng đặc trưng của văn hóa Nam bộ. Vĩnh Long cũng nằm trên tuyến hành lang Đông - Tây của vận tải quốc tế đường biển và đường sông từ cửa Tiểu và cửa Định An vận chuyển hàng hoá đi Campuchia và tuyến quốc lộ 54 từ Trà Vinh xuyên qua Vĩnh Long lên Đồng Tháp và biên giới Campuchia. Về mặt địa chính trị, nó có thể được xem là trung tâm của ngã sáu đi trực tiếp đến 8 tỉnh thành phố trong vùng. Đó là quốc lộ 1A đi qua Tiền Giang, Long An và thành phố Hồ chí Minh theo hướng Bắc và đi Cần Thơ theo hướng Nam, quốc lộ 80 đi Sa Đéc, An Giang, quốc lộ 30 Cao Lãnh và vùng Đồng Tháp Mười, quốc lộ 57 đi Bến Tre và quốc lộ 53 đi Trà Vinh. Vĩnh Long không có núi đồi, địa hình lòng chảo, trũng ở trung tâm và cao dần về 2 hướng bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Mang Thít và ven các sông rạch lớn. Sông Tiền và sông Hậu chảy ra biển Đông qua vùng đất Vĩnh Long nổi lên nhiều cù lao lớn nhỏ. Vĩnh Long - vùng đất cửa ngõ, nhịp cầu nối thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng với nhiều mô hình du lịch đặc biệt đạt hiệu quả cao, trong đó phải kể đến mô hình kinh tế vườn kết hợp với làm du lịch. Với những lợi thế địa lý mà thiên nhiên ưu đãi, Vĩnh Long có nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, thu hút khách du lịch gần xa. Du lịch sinh thái, văn hóa, nhân văn kết hợp làng nghề thực sự là một thế mạnh của du lịch Vĩnh Long, là tiềm năng về kinh tế cần phải khai thác và phát huy. Một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn bậc nhất của tỉnh Vĩnh Long là Cù lao An Bình. Cù lao An Bình nằm giữa dòng sông Tiền, gồm 4 xã: An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Đồng Phú, thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Đây là phần đất đầu của dải Cù lao Minh đất đai trù phú, màu mỡ, được phù sa bồi đắp, làm cho cây trái xanh tươi một màu bát ngát. Vĩnh Long hiện có hơn 20 điểm du lịch sinh thái vườn được qui hoạch theo chương trình phát triển du lịch của tỉnh triển khai từ năm 2000-2010 với năm dự án (khu du lịch sinh thái An Bình, khu du lịch Đồng Phú, khu du lịch Mỹ Hòa, khu du lịch cù lao Quới Thiện và khu du lịch Phú Thành) tập trung ở bốn huyện: Long Hồ, Bình Minh, Vũng Liêm và Trà Ôn. Tổng diện tích qui hoạch là 70 ha với số vốn đầu tư hơn 83,5 tỉ đồng. Sản xuất ở đây phát triển bởi có nguồn lao động dồi dào, trình độ dân trí và tay nghề cao, tiếp thu nhanh những kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến, người dân có truyền thống đoàn kết, cần cù và sáng tạo.
Vĩnh Long là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch di tích kiến trúc văn hóa cổ xưa và lễ hội đình thần, du lịch làng nghề truyền thống. Hiện nay tỉnh có 9 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Vùng đất này còn là quê hương của nhiều lãnh tụ quốc gia, các nhà khoa học và nghệ sỹ nổi tiếng như: thành xưa Long Hồ được xây dựng năm 1813, miếu Công thần, đình Tân Giai, đình Tân Hoà. Đặc biệt là Văn Xương các ở thành phố Vĩnh Long (dân địa phương còn gọi phổ biến với một tên khác là Đền Văn Thánh hay Văn Thánh Miếu) do đốc học Nguyễn Thông (người gốc Phan Thiết) lập ra; khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng cách thành phố Vĩnh Long khoảng 4 km, khu tưởng niệm này khá khang trang, tọa lạc bên đường quốc lộ 53. Tỉnh Vĩnh Long còn được biết đến với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Gạch ngói, gốm sứ, chằm nón, thêu đan, dệt chiếu… mà sản phẩm đã có mặt nhiều nơi trên thế giới. Tính đến nay, Vĩnh Long có 19 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề đạt tiêu chí như: Đan thảm lục bình, se lõi lát, sản xuất gạch - gốm, làm bánh tráng, hoa kiểng - cây giống,… Mặt khác, phát triển du lịch kết hợp với các sự kiện văn hóa, các lễ hội, tham quan các làng nghề đang được chính quyền Vĩnh Long quan tâm để tạo điểm nhấn trong thu hút khách du lịch.
Vĩnh Long sở hữu nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, văn hóa, nhân văn phong phú và đa dạng nhưng việc khai thác chưa tương xứng với tiềm năng đó, thể hiện hệ thống sản phẩm du lịch vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu. Cho đến nay tài nguyên du lịch cả tự nhiên và nhân văn chưa được thống kê, đánh giá, phân loại và xếp hạng để quản lý khai thác một cách bền vững, hiệu quả. Dẫn tới tài nguyên du lịch thì nhiều nhưng khai thác bừa bãi, mới dừng ở bề nổi, khai thác cái sẵn có chưa phát huy giá trị của tài nguyên. Đặc biệt, 4 xã cù lao được xem là địa chỉ xanh của du lịch Vĩnh Long, là điểm tham quan chủ yếu của tất cả các tour tuyến, các loại hình du lịch hiện có của tỉnh. Nhưng hầu hết người dân ở đây sinh sống bằng nghề làm vườn, chưa trải qua đào tạo nên gặp không ít khó khăn, lúng túng khi chuyển sang làm dịch vụ phục vụ. Do đó chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như chưa khai thác hết tiềm năng du lịch tại địa phương. Anh Lưu Hoàng Minh, phó phòng Du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Nếu được đào tạo kỹ năng nghề du lịch cho nông dân ở đây sẽ làm thay đổi tâm lý nông dân, tự tin và tự lực khi chuyển sang làm dịch vụ du lịch; đảm bảo giữ gìn được bản sắc văn hóa của địa phương, tình làng, nghĩa xóm…”
[3]. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Trưởng phòng Truyền thông Công ty lữ hành Vietravel cũng nhận định: “Du lịch sinh thái đang là mô hình du lịch được nhiều khách du lịch quan tâm. Tuy nhiên, các tour du lịch sinh thái ở Tây Nam bộ vẫn chưa là điểm thu hút khách mạnh so với các điểm du lịch sinh thái khác trong nước. Tour về miền Tây chỉ chiếm khoảng 10% so với tổng tour nội địa. Nguyên nhân các mô hình du lịch sinh thái trong vùng còn giống nhau, gây nhàm chán cho du khách, chủ yếu là khai thác du lịch vườn, còn các loại hình sinh thái đặc trưng khác như sinh thái biển, rừng... vẫn chưa được chú ý nhiều. Bên cạnh đó, các địa phương còn lúng túng, chưa tìm ra được bản sắc văn hóa riêng cho mình, cũng như chưa xác lập để đầu tư cho sản phẩm đặc trưng...”
[4]. Chính vì vậy, việc nghiên cứu phát triển và tạo sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp nguồn lợi trái cây, làng nghề, sinh thái nhân văn trên vùng địa linh nhân kiệt tỉnh Vĩnh Long là một việc làm có ý nghĩa về mặt kinh tế - chính trị - xã hội.