Đề tài: Đo lường chất lượng dịch vụ y tế của các bệnh viện thuộc tỉnh Vĩnh Long

Thứ bảy - 19/03/2016 03:35
Đề tài: Đo lường chất lượng dịch vụ y tế của các bệnh viện thuộc tỉnh Vĩnh Long
Những năm gần đây, lĩnh vực y tế ở đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được đầu tư khá nhiều cả về cơ sở vật chất lẫn con người. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng điều trị và dần thu hẹp khoảng cách với các bệnh viện (BV) tuyến trên ở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là cả một chặng đường dài đầy khó khăn đối với ngành y tế ĐBSCL. Theo tổng hợp của Trường đại học Y Dược Cần Thơ, ĐBSCL hiện có gần 9.000 bác sĩ, khoảng 6.000 dược sĩ, trong đó gần 3% bác sĩ có trình độ sau đại học, dược sĩ chiếm gần 2%. Theo Quyết định 153 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, đến năm 2010 chỉ tiêu về nhân lực y tế trong 10.000 dân phải đạt trên 7 bác sĩ và 1 dược sĩ đại học. Tuy nhiên hiện nay ở ĐBSCL, tỷ lệ này bình quân chỉ 5,2 bác sĩ, và 0,3 dược sĩ
Hiện nay, công cuộc Đổi mới đất nước cùng với quá trình cải cách hệ thống y tế ở nước ta nói chung và ở tỉnh Vĩnh Long nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Ban lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư đáng kể nguồn lực cho công tác này. Nhiều cơ sở y tế đã được nâng cấp về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị thiết yếu, chủ trương đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế. Ngoài hệ thống các cơ sở y tế của nhà nước, nhiều phòng khám đa khoa và bệnh viện tư nhân đã xuất hiện, ngày càng phát triển và phân bố rộng khắp. Mạng lưới y tế cơ sở đã được mở rộng ra toàn bộ địa bàn tỉnh. Nhân viên y tế đã cơ bản được đào tạo kỹ năng chăm sóc sức khỏe. Lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế đã quan tâm nhiều hơn đến việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc có chất lượng cao cho người dân đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Giảm tỉ lệ tử vong, chẩn đoán và điều trị bệnh chính xác, tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, nâng cao khả năng chi trả của người dân và bảo vệ người dân tránh khỏi nguy cơ tổn thất kinh tế khi ốm đau là mục tiêu quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người dân tại tỉnh Vĩnh Long. Trên địa bàn tỉnh, hiện có 09 bệnh viện, 06 phòng khám đa khoa, 102 trạm y tế với tổng số giường bệnh là 1.780 giường, đạt 18 giường/1 vạn dân. Trong đó Bệnh viện đa khoa tỉnh với 600 giường bệnh là tuyến điều trị đầu ngành của tỉnh, có đội ngũ cán bộ và thầy thuốc chuyên sâu và phương tiện điều trị hiện đại, cấp cứu cho các bệnh nhân nặng, thực hiện các phẫu thuật phức tạp. Tuyến huyện, thành phố có 06 bệnh viện đa khoa với 530 giường bệnh; tuyến xã, phường, thị trấn có 06 phòng khám đa khoa với 70 giường bệnh và 102 trạm y tế với 510 giường bệnh. Bệnh viện y học cổ truyền đã kết hợp phương pháp y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị; là địa chỉ tin cậy của người dân trong tỉnh và các tỉnh lận cận, đặc biệt là những người cho thu nhập thấp. Hệ thống y tế công lập đã phục vụ tốt cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như điều trị bệnh cho nhân dân trong tỉnh và các vùng lận cận[1].
          Song song với Trung tâm Y tế (TTYT) xã, các bệnh viện huyện, thành phố trong năm 2011 cũng đảm nhiệm tốt công tác khám và điều trị. Hiện toàn tỉnh có 4 bệnh viện được đầu tư xây mới, trang thiết bị hiện đại. Bác sỹ (BS) Lê Hùng Vương- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Vũng Liêm cho biết, sau khi đầu tư xây mới bệnh viện loại 3, với 100 giường bệnh, số lượng bệnh đến khám khoảng 450 người/ngày, tăng gấp đôi so trước kia. Cũng theo BS. Vương, nhiệm vụ ưu tiên và xuyên suốt của bệnh viện là tập trung đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn, y đức của đội ngũ y- BS và tăng cường đoàn kết nội bộ. Vì thế, ngoài số BS chuyên khoa I, II chiếm khoảng 50% trong số 19 BS, năm qua bệnh viện đạt nhất khối trong số 9 bệnh viện của tỉnh. Có thể nói, việc đầu tư cho hệ thống y tế tuyến huyện góp một phần quan trọng trong việc làm giảm tải cho hệ thống y tế tuyến trên. Hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện. Trong năm 2012 này, dự án xây dựng mới 96 TTYT sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng cùng với gói trang- thiết bị, sẽ giúp TTYT đảm nhiệm tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu. Đối với bệnh viện tuyến huyện, ngoài 4 bệnh viện: Vũng Liêm, Bình Minh, Long Hồ và Trà Ôn, trong năm nay các bệnh viện Tam Bình và TP. Vĩnh Long sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Song song đó, tỉnh đang đầu tư xây dựng các trung tâm y tế, nâng chất hoạt động mạng lưới y tế dự phòng, chậm nhất đến năm 2015 hệ thống y tế sẽ hoàn thiện và bộ mặt y tế từ tỉnh đến cơ sở mang một diện mạo mới[2].
     Dịch vụ y tế là một loại dịch vụ khá đặc biệt. Về bản chất, dịch vụ y tế bao gồm các hoạt động được thực hiện bởi nhân viên y tế như khám, chữa bệnh phục vụ bệnh nhân và gia đình. Thực tế, người bệnh ít khi đánh giá chính xác chất lượng dịch vụ y tế mặc dù họ có thể cảm nhận qua tiếp xúc với nhân viên y tế, trang thiết bị, cơ sở vật chất. Trong khi nhu cầu của người bệnh ở Vĩnh Long càng phát triển thì dịch vụ y tế vẫn chưa theo kịp đà phát triển này của xã hội, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng chức năng của dịch vụ y tế. Thực tế cho thấy, việc các bệnh viện ngày càng quá tải khiến chất lượng kỹ thuật và chất lượng chức năng đều giảm. Bệnh viện công lập chủ yếu đầu tư vào chất lượng kỹ thuật bằng cách đầu tư con người và thiết bị để phát triển kỹ thuật mới và gia tăng quy mô để đảm bảo phục vụ nhu cầu ngày càng tăng.
     Do không được đào tạo cũng như chưa có nhận thức đủ về thành phần chất lượng, chức năng của dịch vụ y tế, đa số các bệnh viện ở Vĩnh Long, đặc biệt là bệnh viện công lập không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người dân. Trong khi người bệnh ngày càng có nhiều sự lựa chọn và gần như chỉ có khả năng đánh giá chất lượng dịch vụ y tế thông qua cảm nhận về chất lượng chức năng.
     Hiện nay, tình trạng giờ làm việc của các cơ sở y tế công chưa phù hợp, sự nhầm lẫn trong điều trị, thiếu tư vấn và theo dõi sau điều trị chưa tốt, cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, thái độ của nhân viên còn quan liêu. Trước tình trạng đó, một phần lớn người bệnh có nhu cầu cao về dịch vụ y tế bắt đầu chuyển sang chọn lựa các cơ sở dịch vụ y tế tư nhân, nơi cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng chức năng tốt hơn.Nhiều người bệnh có điều kiện sẵn sàng ra nước ngoài để khám và điều trị. Đa số các trường hợp này chủ yếu hướng tới chất lượng dịch vụ y tế về chức năng, vì thực tế phần lớn yêu cầu về chất lượng kỹ thuật của người bệnh đều có thể đáp ứng tại các cơ sở trong nước. Điều này dẫn đến “chảy máu” ngoại tệ, mà theo một báo cáo không chính thức của Bộ Y tế, lên đến gần một tỉ USD mỗi năm. Các bệnh viện nước ngoài ngày càng đẩy mạnh thu hút người bệnh trong nước.
     Nhằm thu hút người bệnh, một số cơ sở y tế công ở Vĩnh Long chủ trương đầu tư chủ yếu vào chất lượng chức năng trong khi chất lượng kỹ thuật không đảm bảo. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Không những thế, nhóm người có thu nhập thấp, nhóm người nghèo còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe chưa đa dạng và không sẵn có đối với một số vùng xa trung tâm. Chính vì lẽ đó, việc “Đo lường chất lượng dịch vụ y tế của các bệnh viện thuộc tỉnh Vĩnh Long”  nhằm đánh giá chất lượng dịch vụ y tế, khắc phục các điểm yếu kém, khai thác và phát huy các thế mạnh trong chất lượng dịch vụ để từ đó đề xuất ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế là một việc làm mang tính cấp thiết.
Nguồn: Liên hiệp Khoa học Kinh tế - Đô thị Nam bộ

[1] Báo cáo: Thành tựu về Y tế đạt được sau 20 năm đổi mới, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Long.
[2] Trang website: Vĩnh Long online: Y tế Vĩnh Long từng bước tạo lòng tin.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Mã bảo mật   

Hỗ trợ trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây