Nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành Luật tại trường Đại học Vinh đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo

Thứ ba - 24/01/2017 21:38

Ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tiếp đó ngày 09 tháng 6 năm 2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 44/NQ - CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đây là những văn bản pháp lý mang tính toàn diện, triệt để và sâu sắc đã tác động mạnh mẽ đến nền giáo dục nước nhà trong đó có giáo dục đại học. Trong dòng chảy chung của đổi mới giáo dục đại học ở nước ta, trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, việc nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành luật ở Trường Đại học Vinh càng trở nên bức thiết.

1. Bức tranh chung về đào tạo cử nhân luật ở Trường Đại học Vinh từ năm 2007 đến 2014

Trường Đại học Vinh là cơ sở đào tạo đại học đa ngành, đa cấp ở khu vực Bắc Trung Bộ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và thích ứng nhanh với thế giới việc làm; là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước; hướng đến là trường đại học trọng điểm quốc gia, có một số ngành đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong tổng số 669 giảng viên, có 56 giáo sư, phó giáo sư, 4 giảng viên cao cấp, 166 tiến sĩ, 422 thạc sĩ, 133 giảng viên chính.  

- Nhà trường bắt đầu đào tạo cử nhân luật từ năm 2007, năm 2009 khoa Luật chính thức được thành lập. Hiện nay Khoa có 38 CBGD (01 PGS, 04 TS, 20 NCS, 13 Th.s) được chia làm 04 tổ bộ môn (Hành chính – Nhà nước; Kinh tế - Quốc tế; Hình sự; Dân sự). Số lượng sinh viên chính quy của khoa là 1.500; hệ VLVH 3000; hệ từ xa 1000

- Khung chương trình đào tạo: Đào tạo theo hệ thống tín chỉ đối với hệ chính quy và từ xa gồm 134 tín chỉ; đào tạo theo niên chế đối với hệ VLVH 154 đvht. Trong đó:

- Khối kiến thức giáo dục đại cương: 32 tín chỉ;

- Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: 99 tín chỉ, trong đó:

+ Kiến thức cơ sở của khối ngành và ngành: 21 tín chỉ.

+ Kiến thức chuyên ngành: 59 tín chỉ.

+ Kiến thức chuyên sâu: 12 tín chỉ.

+ Khóa luận hoặc thực tập tốt nghiệp và thi cuối khóa: 7 tín chỉ.

- Chuẩn đầu ra:

- Mã ngành và chuyên ngành: Khoa Luật đào tạo 02 mã ngành: Luật học và Luật kinh tế. Đối với Luật học có các chuyên ngành hẹp như sau: Hành chính – Nhà nước; Kinh tế - Quốc tế; Tư pháp

- Các hoạt động bổ trợ trong quá trình đào tạo: Khoa Luật đã thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật trường Đại học Vinh được thành lập theo Quyết định số 183 ngày 28 tháng 3 năm 2011 của Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, và được cấp Giấy phép hoạt động số 1126 của Giám đốc sở tư pháp Nghệ An ngày 14 tháng 11 năm 2011. Ngoài ra, Tổ chức thực hành nghề luật cho sinh viên, tổ chức tập huấn cho các em các kỹ năng trước khi ra trường nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thành lập Câu lạc bộ Thực hành pháp luật, Tổ chức các hoạt động diễn án cho sinh viên …

- Số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm:

Năm học 2010 - 2011: 265 sinh viên

Năm học 2011- 2012: 165 sinh viên

Năm học 2012- 2013: 220 sinh viên

Năm học 2013- 2014: 265 sinh viên.

- Tỷ lệ có việc làm: Sinh viên ra trường đều có việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo và tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt tỷ lệ 76%. Trong đó, làm đúng với chuyên môn đào tạo là 60%, làm việc tại các cơ quan tư pháp: như:  Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Sở tư pháp, văn phòng công chứng, các cơ quan hành chính nhà nước…

- Hợp tác quốc tế: Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, Khoa còn có sự liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo Luật trên cả nước để trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, đào tạo về quyền con người hiện nay như: Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học luật Hà nội… Ngoài ra, khoa có mạng lưới, hợp tác sâu rộng với các tổ chức quốc tế, phi chính phủ trên thế giới để đưa các em sinh viên đào tạo, học tập các kỹ năng về thực hành, tuyên truyền, phổ biến pháp luật như: UNDP; CLE….

2. Thực trạng đào tạo luật ở Khoa Luật - Trường Đai học Vinh và các cơ sở đào tạo Luật ở nước ta hiện nay

Khoa Luật – Trường Đại học Vinh chính thức bắt đầu áp dụng mô hình đào tạo tín chỉ từ khóa sinh viên 49 (niên khóa 2009 – 2013). Cho đến nay, sau gần 4 năm triển khai thực hiện. Phương pháp đào tạo theo tín chỉ khi được đưa vào áp dụng tại Việt Nam với mong muốn vận dụng, phát huy những yếu tố tích cực, tiến bộ về mặt bản chất và mục đích của loại phương pháp đào tạo này. Ưu điểm của học tín chỉ là người học có thể chủ động về mặt thời gian học và kế hoạch, họ có thể rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học đối với riêng bản thân họ, chủ động xây dựng kế hoạch học tập thích hợp nhất. Học chế tín chỉ khuyến khích việc học chủ động của sinh viên, giáo viên là người hướng dẫn, định hướng. Chương trình đào tạo sẽ mang tính mềm dẻo và có khả năng thích ứng cao. Sinh viên Luật được chủ động lựa chọn môn học, chủ động lên kế hoạch học tập và thời gian học của mình. Đặc biệt theo học tín chỉ sẽ là một ưu thế đối với những sinh viên chịu khó, ham học hỏi và tinh thần tự học, độc lập nghiên cứu cao. Một sinh viên Luật muốn ra trường phải hoàn thành đủ 134 tín chỉ, trong đó sẽ chia ra định mức cụ thể số tín chỉ phải hoàn thành đối với khối kiến thức đại cương, tự chọn chuyên ngành.v.v..

- Sinh viên tốt nghiệp chưa thực sự vững vàng về kiến thức chuyên môn, còn yếu về các kiến thức bổ trợ, nhất là ngoại ngữ và tin học, thiếu kỹ năng hành nghề luật. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cử nhân luật khó xin được việc làm phù hợp với chuyên môn. Sau khi ra trường, sinh viên thiếu các kỹ năng của nghề nghiêp, muốn hành nghề luật thì phải tham gia khóa đào tạo hành nghề. Khác sinh viên luật ở các nước trên thế giới thì sinh viên sẽ được nhà trường định hướng nghề nghiệp và đào tạo kỹ năng hành nghề ngay tại trường đại học.

- Phương pháp đào tạo trong những năm gần đây tuy đã được cải tiến nhiều nhưng vẫn nặng về truyền thụ kiến thức, ít tính đối thoại giữa người dạy và người học. Sinh viên ít có cơ hội tiếp cận thực tế trong quá trình học tập (ngoại trừ một kỳ thực tập cuối khóa nhưng nặng về hình thức, không mang tính thực chất). Phương pháp đánh giá kiến thức và công nhận kết quả học tập còn chưa có khả năng phân hóa rõ rệt năng lực và ý thức học tập cũng như tư duy sáng tạo của từng sinh viên, nhất là để đánh giá năng lực giảng dạy của giảng viên…

- Số lượng sinh viên ngành luật còn quá đông, đào tạo luật quá nhiều. Hiện nay một lớp học còn 50 – 70 sinh viên, do vậy việc phát huy khả năng hùng biện, xử lý tình huống và thảo luận của sinh viên bị hạn chế.

- Khoa Luật – Trường Đại học Vinh và các cơ sở đào tạo luật khác vẫn còn thiếu đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư, chuyên gia pháp luật cao cấp, số lượng chuyên gia đầu đàn trong từng lĩnh vực còn ít. Chưa có sự kết hợp hài hòa giữa đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng trong hoạt động đào tạo. Năng lực của một bộ phận giảng viên cơ hữu còn hạn chế, chưa tương xứng với nhiệm vụ đào tạo luật trong tình hình hiện nay. Số giảng viên am hiểu pháp luật quốc tế, có thể nghiên cứu và giảng dạy bằng tiếng Anh còn ít. Bên cạnh đó, chương trình và phương pháp đào tạo tuy có đổi mới nhưng vẫn còn bất cập. Các chuyên ngành đào tạo ít mang tính hướng nghiệp. Cơ cấu các chuyên ngành còn thiếu linh hoạt. Phần lớn các môn học đều được thiết kế từ nhiều năm về trước đến nay nhiều môn đã có những nội dung không thật phù hợp nhưng chưa được sửa đổi kịp thời.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành luật đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo

Đại hội XI của Đảng xác định “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoávà hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp. Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các bậc học. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội”. Để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đối với ngành Luật ở Việt Nam cần thực hiện các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học theo định hướng “coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học”. Đối với bậc đại học là tự nghiên cứu, tạo điều kiện cho người học phát huy tư duy sáng tạo, rèn kỹ năng thực hành, tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy tích cực “lấy người học làm trung tâm” nhằm phát huy tính chủ động của người học (như các phương pháp: giải quyết tình huống, thảo luận nhóm, diễn án…) chú trọng tăng cường trang bị kiến thức thực tế cho người học là yêu cầu không thể thiếu đối với những người học luật, đây cũng cũng là khâu rất yếu của sinh viên các cơ sở đào tạo luật ở nước ta hiện nay.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ giảng viên vừa giỏi chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và tinh thông về kỹ năng nghề nghiệp. Và để bồi dưỡng kiến thức cũng như bản lĩnh hơn nữa cho người đứng lớp, nhà trường sẽ có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên tham gia thực hiện các hoạt động thực tiễn như: tham gia xây dựng, thẩm định, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện một số hoạt động tư vấn pháp luật; tham gia làm Hội thẩm nhân dân; thực hiện một số hoạt động tư pháp… Ngoài ra, các cơ sở đào tạo Luật mời các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, điều tra viên, chuyên gia pháp luật, cán bộ quản lý đang công tác tại các tòa án, các cơ quan tư pháp, các cơ quan đơn vị hành chính – sự nghiệp và các tổ chức xã hội – nghề nghiệp khác tham gia giảng dạy và hướng dẫn thực hành cho sinh viên. Giáo viên, người thầy đóng vai trò quyết định đối với thành bại của sự nghiệp giáo dục, đào tạo ở mọi thời đại. Vì vậy, cần nhanh chóng khắc phục các yếu kém trong bố trí, sắp xếp và sử dụng để sớm xây dựng được đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và bảo đảm các yêu cầu về phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Mặt khác, phải có chế độ chính sách, đặc biệt là chính sách về lương, thưởng, thăng tiến, phát triển chuyên môn, đánh giá, đãi ngộ phù hợp để tạo động lực và hiệu quả làm việc của đội ngũ giáo viên. Mặc dù, Đảng và Nhà nước đã cải tiến rất nhiều chế độ chính sách cho giáo viên, nhưng các chính sách, chế độ hiện hành đối với giáo  viên vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến hệ quả là nhiều giáo viên không thể toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, sự nghiệp trồng người của đất nước được.

Thứ ba, Các cơ sở đào tạo luật cần thực hiện lồng ghép chương trình rèn luyện kỹ năng và nội dung từng môn học, đưa thêm các môn học về kỹ năng nghề nghiệp vào chương trình đào tạo chuyên ngành. Xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống phòng học thực hành, phòng diễn án phục vụ nhu cầu của sinh viên. Giảm dần một cách hợp lý thời lượng các giờ giảng lý thuyết, tăng thời lượng các giờ thảo luận và tự học của sinh viên. Cộng tác chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, các tổ chức tư vấn pháp luật, văn phòng luật sư để đưa sinh viên đến thực tập, tìm hiểu thực tế về hoạt động xét xử, hoạt động tư vấn.

Thứ Tư, Đổi mới công tác thực tập theo hướng lồng ghép các khóa học thực tế, các chương trình đi tìm hiểu thực tế vào trong suốt quá trình đào tạo thay vì chỉ bố trí cho sinh viên đi thực tập tốt nghiệp cuối khóa như hiện nay. Tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm khoa học, sinh hoạt chuyên môn cho giảng viên và sinh viên, mời các cán bộ lãnh đạo cao cấp, các nhà quản lý, luật sư, chuyên gia pháp luật tham dự và thuyết trình. Tổ chức các buổi xử án lưu động tại trường…

Thứ năm, Giảng viên và người học cần được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên.  Xã hội nước ta đang không ngừng thay đổi và phát triển, các mối quan hệ xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp và được điều chỉnh bằng pháp luật, các văn bản quy phạm phạm pháp luật ngày càng nhiều hơn. Do vậy, cập nhật kiến thức pháp luật mới và nâng cao kỹ năng hành nghề là một yêu cầu tất yếu đối với ngành luật.

Thứ sáu, bồi dưỡng, giáo dục đạo đức, lối sống, nghề nghiệp thường xuyên sinh viên Luật. Bởi vì thực tiễn cho thấy một số luật sư, thẩm phán, cán bộ tư pháp vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp cũng là những người có trình độ và kinh nghiệm hành nghề lâu năm. Một người được bồi dưỡng thường xuyên về đạo đức nghề nghiệp nhất định sẽ thực hiện tốt vai trò của mình trong việc bảo vệ lợi ích của khách hàng, bảo vệ công lý và nhà nước pháp quyền.

Thứ bảy, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy của thầy và học tập của trò, đầu tư tài chính, tài liệu, học liệu cho sinh viên Luật.

Thứ Tám, Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức và các cơ sở đào tạo luật trong khu vực và trên thế giới..

Thứ chín, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự giám sát của các đoàn thể nhân dân đối với tiến trình đổi mới giáo dục, đào tạo.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo đóng một vai trò quan trọng trong việc vận động và phát triển của đất nước, là một trong những nhân tố cơ bản quyết định tương lai của dân tộc, là chìa khoáđể mở ra tiềm năng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục để đào tạo những người lao động có tri thức, có tư duy độc lập, kết hợp tri thức khoa học kỹ thuật, công nghệ với tri thức khoa học xã hội nhân văn, phát triển tự do và toàn diện, tạo ra động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới thành công và hoàn thành từng bước mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Tài liệu tham khảo

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr 153
(2) Văn kiện Đại hội XI đã dẫn, tr 167-168
(3) Văn kiện Đại hội XI đã dẫn, tr 130-131

Tác giả bài viết: TS. Đinh Ngọc Thắng, Th.s. Đinh Văn Liêm

Nguồn tin: Trường Đại học Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Mã bảo mật   

Hỗ trợ trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây