Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp và trách nhiệm của toàn xã hội; là một nội dung quan trọng của chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, đòi hỏi phải có sự tham gia của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ sở dạy nghề, cơ sở sử dụng lao động và người lao động để thực hiện đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động. Kể từ khi triển khai thực hiện đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, các địa phương trên cả nước lần lượt thành lập ban chỉ đạo ở cấp cơ sở và liên tục có những đợt đánh giá thực trạng, hiệu quả triển khai, những bài học kinh nghiệm được rút ra cho giai đoạn tiếp theo. Đắk Nông nằm ở vị trí cửa ngõ phía tây nam của Tây Nguyên. Toàn tỉnh có 08 huyện, thị xã, với 71 xã, phường, thị trấn, trong đó có 04 huyện, 07 xã biên giới và 20 xã đặc biệt khó khăn. Tổng diện tích tự nhiên là 651.438 ha, dân số hơn 600.000 người, gồm 42 anh em các dân tộc cùng chung sống (chủ yếu là người Kinh, tiếp đến là người M’nông, người Nùng, người Mông… ). Thu nhập bình quân theo đầu người thấp so với các tỉnh thành của cả nước, nguyên nhân là do trình độ dân trí còn thấp, việc học nghề chưa được người dân chú trọng quan tâm dẫn đến việc áp dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật vào sản xuất tăng thu nhập bị hạn chế; hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao. Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt được nhiều thành tựu đáng kể như tăng số người học nghề tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh, sự phối hợp giữa trường dạy nghề với doanh nghiệp tư nhân tổ chức lớp dạy nghề thí điểm tại cơ sở ở địa phương, người học nghề ngay sau đó đã vận dụng được kiến thức kỹ năng đã học vào sản xuất, tăng năng suất lao động, đời sống người lao động nông thôn được nâng cao.
Xem thêm: Mô hình đào tạo cạnh xí nghiệp tỉnh Hậu Giang
Việc thực hiện triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Quyết định số 143/QĐ-UBND ngày 26/01/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông năm 2010 đến năm 2015; Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020” tại Quyết định số 04/2011/QĐ-UBND ngày 10/01/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, việc dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được đặc biệt chú trọng, ưu tiên người đồng bào dân tộc ít người tại chỗ, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ, người khuyết tật, hộ bị thu hồi đất… để gắn việc dạy nghề với giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, xoá nghèo bền vững; đồng thời ưu tiên, thu hút học sinh nông thôn tốt nghiệp phổ thông cơ sở, phổ thông trung học vào học sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề để nâng chất lượng nguồn lực lao động nông thôn. Ngoài ra công tác tuyên truyền, giáo dục việc học nghề là quyền lợi của người lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, chuyển đổi việc làm, tăng thu nhập cũng như cải thiện mức sống người dân phải thường xuyên triển khai thực hiện. Hơn nữa, việc đào tạo nghề cho nông thôn phải theo hướng chuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn và yêu cầu của các cơ sở lao động, đồng thời gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thế kinh tế - xã hội của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 161/2006/QĐ-TTg ngày 10/7/2006, từng ngành, từng địa phương, đặc biệt là khu vực khó khăn ở nông thôn.
Tuy nhiên, theo đánh giá thực trạng công tác đào tạo nghề giai đoạn 2006-2010 và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tại đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020”, công tác đào tạo nghề của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế: là một tỉnh có xuất phát điểm kinh tế thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lao động ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thực của người dân về học nghề chưa sâu rộng, người dân chưa biết nhiều thông tin về chế độ chính sách học nghề cho nên việc tuyển sinh học viên tại các trung tâm dạy nghề gặp nhiều khó khăn; hình thức đào tạo nghề hiện nay chủ yếu là đào tạo lao động trình độ sơ cấp nghề tại các xã, phường, thị trấn, buôn, bon vì vậy công tác kiểm tra, giám sát hoạt động dạy nghề chưa được thường xuyên nên chất lượng dạy nghề chưa cao; cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hoá đầu tư dạy nghề chưa rõ ràng; ngân sách cho lĩnh vực dạy nghề phụ thuộc vào vốn đầu tư của trung ương, điều này làm cho việc bố trí nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và chế độ cho cán bộ dạy nghề rơi vào bị động; sự liên kết theo chiều dọc và chiều ngang trong quá trình đào tạo nghề hoạt động chưa hiệu quả… Từ những lý do trên, để xây dựng cơ sở lý luận cũng như thực tiễn vững chắc cho việc đề ra chính sách giúp nhà quản lý trong lĩnh vực đào tạo nghề của tỉnh, cần có công trình nghiên cứu một cách sâu và rộng về “Nghiên cứu đề xuất mô hình, chính sách và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”. Việc triển khai thực hiện đề tài này có ý nghĩa lớn lao trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông hiện tại và tương lai.Nguồn tin: Học viện Sở hữu trí tuệ
TIN MỚI
CÁC TIN KHÁC