Thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học y, dược tỉnh An Giang

Thứ năm - 04/02/2016 10:04

Nguồn nhân lực khoa hoc, y dược

Nguồn nhân lực khoa hoc, y dược
Nguồn nhân lực khoa học y, dược của tỉnh An Giang về cơ bản đã có những đóng góp tích cực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân. ..
Nguồn nhân lực là nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Trình độ phát triển của nguồn nhân lực là một thước đo chủ yếu sự phát triển của các quốc gia. Vì vậy, các quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng phát triển nguồn nhân lực. Trong thế kỷ XX, đã có những quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng do phát huy tốt nguồn nhân lực nên đã đạt được thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành công nghiệp hoá và hiện đại hoá chỉ trong vài ba thập kỷ.

Trong lĩnh vực KHCN tỉnh An Giang trong thời gian qua đã có đưa ra nhiều chính sách và đạt được nhiều thành tựu trong chất lượng cũng như số lượng. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực KHCN. Nguồn nhân lực KHCN đáp ứng cho các lĩnh vực, ngành hiện đang còn thiếu đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh An Giang. Từ những lý do trên việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực khoa học trên địa bàn tỉnh An Giang hiện nay có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

 Khoa học y, dược của tỉnh An Giang về cơ bản đã có những đóng góp tích cực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân. Trước nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, việc đánh giá thực trạng và đưa ra dự báo phát triển nguồn nhân lực KHCN là cần thiết.

Nhân lực y tế:

Trong những năm qua, ĐBSCL đang đối diện với thực trạng thiếu y, bác sỹ. Trong đó, An Giang là một trong những địa phương thiếu số lượng bác sỹ, dược sỹ đại học trầm trọng (hơn 500 bác sỹ)[1]. Thực trạng nhân lực ngành y tế của tỉnh An Giang cụ thể như sau: Đến cuối năm 2010, An Giang có 6.108 cán bộ công chức, viên chức, trong đó có 930 bác sỹ (5 tiến sỹ, 35 thạc sỹ, 18 bác sỹ chuyên khoa 2 và 309 bác sỹ chuyên khoa 1), 704 cán bộ dược, 1.474 điều dưỡng và y tá, 632 nữ hộ sinh, 1.243 y sỹ các loại, 127 kỹ thuật viên. Chỉ tính cán bộ chuyên môn, tỷ lệ cán bộ y tế/10000 dân là 23,74; Tỷ lệ bác sỹ/10.000 dân là 5,14; Tỷ lệ DSĐH/10.000 dân là 0,93.[2]

Xem thêm: Chất lượng nguồn nhân lực KHCN trong các linh vực kinh tế tỉnh An Giang
So với mức bình quân chung của cả nước, tỷ lệ này có phần thấp hơn. Tuy nhiên, số liệu này cũng cho thấy được kết quả khả quan trong chiến lược đầu tư đào tạo, phát triển nguồn lực y tế của tỉnh trong thời gian vừa qua. Thời kỳ 2006-2010, tỉnh đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho 4.171 cán bộ y tế. Trong đó, đào tạo trình độ sau đại học là 372 người; liên thông đại học là 344 người; trung học y dược là 1.877 người; sơ học y dược là 1.281 người; bồi dưỡng ngắn hạn là 297 người.[3]

Theo Tổng cục thống kê, năm 2012, tỉnh An Giang có 8711 lao động y tế[4]. Dự báo lao động trong các ngành kinh tế trong Kế hoạch Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2020 của UBND tỉnh An Giang cho thấy, tổng nhân lực hoạt động trong ngành y tế, chăm sóc sức khỏe khoảng 9,18 ngàn người, năm 2020 khoảng 11,85 ngàn người và 100% nhân lực của ngành đều qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật phù hợp. Xác định mục tiêu đạt 6 bác sỹ/1 vạn dân (theo Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần IX nhiệm kỳ 2010-2015) thì đến cuối năm 2015 toàn Tỉnh phải đạt 1.350 bác sỹ. Có thể nói, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với tỉnh nhà.

Cơ sở y tế:

Năm 2012, tổng số lượng đơn vị y tế của tỉnh An Giang là 206, trong đó có 19 bệnh viện, 15 trung tâm y tế, 16 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, 156 trạm y tế xã, phường, cơ quan, xí nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn có 1305 các cơ sở y tế, khám, chữa bệnh khác. Tuy nhiên, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao, ngành y tế càng gánh những áp lực về chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, kỹ thuật công nghệ tiên tiến, v.v.
 
Nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân cũng như tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu trong lĩnh vực y, dược của tỉnh, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt cho khởi công xây dựng bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang vào giữa năm 2012. Bệnh viên được xây dựng với quy mô 600 giường bệnh, có đầy đủ các bộ phận chức năng, phòng ốc, trang thiết bị hiện đại, môi trường thiết kế văn minh, v.v. Đây có thể coi là cột mốc cho sự đầu tư, phát triển ngành y tế của tỉnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong và ngoài tỉnh cũng như giảm bớt áp lực khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến trên. Những lo ngại về cơ sở vật bước đầu giải quyết, tuy nhiên, việc thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế của tỉnh vẫn đang là mối lo âu hàng đầu, đòi hỏi tính linh hoạt, mềm dẻo trong các chính sách đãi ngộ.

Việc đầu tư xây dựng các cơ sở y tế, trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật tiên tiến, hỗ trợ công nghệ thông tin cho các bệnh viện, trung tâm y tế đã giúp công tác y tế của tỉnh ngày càng nâng cao và phát triển hơn. Từ đó, giúp đẩy mạnh việc ứng dụng nghiên cứu, kỹ thuật mới vào trong lâm sàng, cận lâm sàng tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu, phát triển khoa học trong lĩnh vực y dược.

Dự báo nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học y, dược:

Đào tạo hàng năm khoảng từ 800-840 người. Trong đó mỗi năm cần đào tạo thêm khoảng 30-40 cán bộ y tế có trình độ sau đại học, 120-150 cán bộ y tế có trình độ đại học (trong đó có 70-80 bác sỹ, 30-40 dược sỹ đại học), 500 cán bộ y tế có trình độ cao đẳng và trung học (trong đó có khoảng 120 điều dưỡng, 60 kỹ thuật viên, 90 Hộ sinh, 90 Dược sỹ trung học, Y Sỹ các loại: 140), sơ học và đào tạo khác khoảng 150 người.

Ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ: Tổng nguồn nhân lực của ngành vào năm 2015 là 6,52 ngàn người, vào năm 2020 là 14,23 ngàn người; tỷ lệ nhân lực qua đào tạo đạt 100%. Trong đó, trình độ cao đẳng và đại học trở lên đạt 65% từ sau năm 2015 và trên 70% vào năm 2020.

XEM THÊM: Chương trình đào tạo ngành quản trị nhân lực

Ngành y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân: Tổng nhân lực hoạt động trong ngành vào năm 2015 là 9,18 ngàn người, năm 2020 là 11,85 ngàn người; 100% nhân lực của ngành đều qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật phù hợp.

Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm. Nghiên cứu ứng dụng và phát triển các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh như: mổ nội soi, kỹ thuật sinh học phân tử, y học hạt nhân.
Chú trọng nghiên cứu sản xuất nguyên liệu dược chất phục vụ công nghiệp bào chế dược liệu; Nghiên cứu qui hoạch một số vùng chuyên canh để sản xuất dược liệu. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thuốc từ nguồn dược liệu trong tỉnh và thuốc y học cổ truyền.
 

[1] Thống kê của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, dựa trên chỉ tiêu tại Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
[2] Chương trình Phát triển nguồn nhân lực tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1382/QĐ-UBND ngày 16/8/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh).
[3] Quy hoạch Phát triển nhân lực tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2020.
[4] Y tế Việt Nam, Qua Tổng điều tra cơ sở y tế, hành chính, sự nghiệp 2012, Nxb. Thống kê.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Mã bảo mật   

Hỗ trợ trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây