Đề tài “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ẩm thực phục vụ phát triển du lịch ở Bình Dương"

Thứ năm - 25/02/2016 15:35
Đề tài “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ẩm thực phục vụ phát triển du lịch ở Bình Dương"

Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, Marx viết: “Con người ta sinh ra trước hết cần phải có ăn, mặc, ở, học hành, đi lại,… rồi mới có điều kiện sáng tạo ra cái gì khác” (Marx-Engels, Toàn tập, tập 3, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, trang 450). Luận điểm nổi tiếng này, Marx đã nhấn mạnh đến vấn đề sống còn của con người - “ăn, mặc, ở…”. Ngày nay, ẩm thực được xem như là một bộ phận thiết yếu cấu thành bản sắc văn hóa dân tộc, là một trong những lĩnh vực thể hiện đặc điểm của một dân tộc, dân gian Việt Nam ta có câu “có thực mới vực được đạo”. Trên dải đất Việt Nam ngoài những đặc trưng chung nhất về ăn uống, thì vẫn có những khẩu vị riêng của từng vùng, sở dĩ như vậy là do có sự khác biệt về điều kiện địa lý, môi trường sinh thái và nguồn nguyên liệu tại chỗ làm nên thực phẩm… Món ăn của người Việt ở Nam bộ rất đa dạng, phong phú, tạo thành yếu tố độc đáo của văn hóa Việt Nam.  

Vùng đất Bình Dương nói riêng và Nam bộ nói chung là một vùng đất mới. Cư dân nơi đây có những tập tục ăn uống cổ truyền, tiêu biểu và các phong tục, nghi lễ thờ cúng tổ tiên với những giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, người Việt ở Bình Dương còn tiếp thu những món ăn của người Chăm, người Khơme, người Hoa, và các dân tộc khác.

Hơn một thế kỷ qua, Bình Dương và các tỉnh Nam bộ khác bị ảnh hưởng ăn uống của người Hoa, như: mì, hủ tiếu, hoành thánh, bánh bao,… Tuy nhiên, một số món ăn truyền thống, độc đáo của người Bình Dương đã lan truyền tới Gia Định - Sài Gòn: món hạt điều của bà Chín Lái Thiêu, món mắm thái của bà Hai Lạc, món vịt quay, mì Phước Kiến gần Chùa Ông Bổn. Ngoài ra vùng đất Lái Thiêu còn góp cho tỉnh nhà những món đặc sản như trái măng cụt mà không phải ở đâu cũng có. Ngày nay, kinh tế thị trường đã đưa Bình Dương phát triển mạnh mẽ xuất hiện các khu đô thị, công nghiệp kéo theo sự phát triển sâu rộng về ăn uống ẩm thực, quán tiệm, nhà hàng nhu cầu ăn uống lớn hơn xưa rất nhiều. Sự thay đổi đó đã ảnh hưởng tới văn hóa, nhiều món ăn truyền thống đã bị mai một và thất truyền, thay vào đó là các món ăn nhanh (fast food), KFC, Lotteria,… các loại bánh và đồ uống của Trung Quốc lan tràn trên thị trường, nhiều nét đẹp trong ăn uống xưa kia đang bị biến mất trước bối cảnh lao động công nghiệp. Những món ăn của người Bình Dương là sản phẩm độc đáo của miền đất mới, là kết quả của sự giao tiếp nhiều luồng văn hóa Đông Tây, nhiều dân tộc nên yếu tố tiếp biến văn hóa thể hiện rất rõ. Cộng với yếu tố môi sinh tại chỗ đã tạo thành sắc thái văn hóa trong việc ăn uống vừa đa dạng, phong phú vừa đặc thù ở Bình Dương.

Việc nghiên cứu các loại hình văn hóa để thu hút và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế là điều rất cần thiết. Trong đó, nghiên cứu đặc sản ẩm thực phục vụ phát triển du lịch sẽ đánh giá thực trạng cung cấp dịch vụ ẩm thực ở Bình Dương dựa theo các tiêu chí như: chất lượng món ăn, điều kiện kinh doanh, thái độ phục vụ, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… từ đó đưa ra các chuẩn món ăn đặc sản cùng các nhà hàng tiêu biểu, những giải pháp khuyến khích phát triển hệ thống kinh doanh dịch vụ ẩm thực chất lượng cao như nhà hàng, khách sạn cao cấp và hệ thống hàng quán bình dân, sẵn sàng phục vụ mọi đối tượng du khách tại các điểm có đông du khách và những khu vực khác trên địa bàn tỉnh, đề xuất nguồn thực phẩm sạch và bảo đảm chất lượng quy trình chế biến cung cấp các đặc sản ẩm thực phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách ở Bình Dương. Nhằm xác lập danh mục các đặc sản ẩm thực tỉnh Bình Dương, để bảo tồn những nét ẩm thực truyền thống, tốt đẹp của người Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ, cung cấp cho các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn cách chế biến và thưởng thức các loại ẩm thực truyền thống phục vụ du khách trong và ngoài nước khi đến Bình Dương.

Phát triển du lịch không những cần có cảnh quan thiên nhiên mà còn có rất nhiều yếu tố khác như: nền văn hóa độc đáo, các lễ hội,… và không thể thiếu ẩm thực, bởi vì trong quá trình thăm quan du lịch nếu như chúng ta có văn hóa ẩm thực với những món ăn nổi tiếng sẽ làm cho du khách trong và ngoài nước nhớ và muốn quay trở lại cũng như giới thiệu cho người khác nhiều hơn. Như vậy thực hiện đề tài “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ẩm thực phục vụ phát triển du lịch ở Bình Dương", đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong tiến trình hội nhấp quốc tế hiện nay.

Nguồn: Liên hiệp Khoa học Kinh tế - Đô thị Nam bộ 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Mã bảo mật   

Hỗ trợ trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây