HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TỈNH ĐẮK LẮK
LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
Trịnh Thị Nhài *
Tóm tắt
Thời gian qua, Chính phủ nước ta đã nỗ lực xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ cũng như các ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh, phát huy năng lực cạnh tranh, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Bài viết trình bày một số vấn đề về lý luận cũng như đánh giá thực tiễn hiện nay về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Từ khóa: khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
1. Khái niệm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Khái niệm hệ sinh thái khởi nghiệp đã xuất hiện từ những năm cuối của thập kỷ 1950 tại Mỹ, khi Thung lũng Santa Clara được hình thành và phát triển. James Moore có nhắc đến thuật ngữ “hệ sinh thái” trong bài báo đăng trên Tạp chí Kinh doanh Harvard trong những năm 1990. Ở Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là cụm từ được nhắc đến đầu tiên một cách chính thức trong Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
“Hệ sinh thái khởi nghiệp” đề cập đến mối tương tác diễn ra giữa một loạt các bên liên quan là các tổ chức và cá nhân để thúc đẩy sự hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, ĐMST và tăng trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Bộ Khoa học và Công nghệ đã nêu ra một định nghĩa với đầy đủ các thành phần chủ yếu mà một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nên có là: các cá nhân, nhóm các cá nhân khởi nghiệp và các chủ thể hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, trong đó có chính sách và luật pháp của nhà nước; cơ sở hạ tầng dành cho khởi nghiệp; vốn và tài chính; văn hóa khởi nghiệp; các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, các huấn luyện viên khởi nghiệp và nhà tư vấn khởi nghiệp; trường đại học; các khóa đào tạo, tập huấn; nhà đầu tư khởi nghiệp; nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp; thị trường trong nước và quốc tế.
Hình 1: Các thành phần cơ bản của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Nguồn: Diễn đàn kinh tế thế giới WEF 2013
2. Đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam và tỉnh Đắk Lắk
Phương pháp phân tích Mức độ trưởng thành của hệ sinh thái khởi nghiệp:
Trong phạm vi nghiên cứu, tác giả thực hiện đánh giá, phân tích các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp theo phương pháp phân tích mức độ trưởng thành của hệ sinh thái khởi nghiệp, nhìn nhận sự phát triển của nó trên năm lĩnh vực chính: Vốn và tài chính; Văn hóa khởi nghiệp; Mật độ khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ; Chính sách nhà nước và môi trường pháp lý; Nhân lực. Mức độ phát triển của hệ sinh thái trong từng lĩnh vực được chia làm bảy cấp độ, với những hướng dẫn cụ thể. Các cấp độ phát triển được sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao như sau: Cấp độ 1: hệ sinh thái sơ khai; Cấp độ 2: hệ sinh thái nền tảng; Cấp độ 3: hệ sinh thái đang phát triển; Cấp độ 4: hệ sinh thái cơ bản hoàn thiện; Cấp độ 5: hệ sinh thái hiệu năng cao; Cấp độ 6: hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ; Cấp độ 7: hệ sinh thái tiên phong.
Đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam:
So với các quốc gia phát triển trên thế giới, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau. Theo các chuyên gia ở cộng đồng khởi nghiệp khẳng định, nếu xét tổng thể các tiêu chí thì Việt Nam có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang ở cấp độ 3, tức là hệ sinh thái đang phát triển. Theo báo cáo mới nhất của Startup Blink công bố, bảng xếp hạng thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, tại Việt Nam, chỉ có một thành phố được xếp hạng là Hà Nội. Hiện có sự suy giảm điểm số nghiêm trọng tại Việt Nam, Hà Nội giảm 56 điểm so với bảng xếp hạng năm 2017 và chỉ xếp hạng 229 trên toàn cầu.
Hình 2: Xếp hạng hệ sinh thái của Hà Nội, Việt Nam trên toàn cầu
Nguồn: https://www.startupblink.com/
Về vốn và tài chính dành cho khởi nghiệp: Thị trường vốn ở Việt Nam đang cơ bản hoàn thành, hướng đến hệ sinh thái hiệu năng cao. Các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm tăng ở Việt Nam. Năm 2019, nước ta có số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm tăng cao. Các tập đoàn lớn tại Việt Nam bắt đầu tìm hiểu và phát triển hoạt động này, tham gia vào đầu tư mạo hiểm như Viettel, FPT, Vingroup… Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã gọi thành công những khoản đầu tư lớn và đang mở rộng ra thị trường khu vực và quốc tế như Foody, Kyber Network, Tiki, Sendo… Năm 2019, Việt Nam đang trên đà đạt được mức tăng trưởng lịch sử về dòng vốn đầu tư mạo hiểm, Momo gọi thành công Series C 100 triệu đô la từ quỹ đầu tư Warburg Pincus, Tiki gọi vốn thành công 75 triệu đô la từ Northstar Group, VNPay gọi vốn thành công số tiền 50 triệu đô la từ GIC, VNG gọi vốn được 29 triệu đô la từ Temasek Holdings… Thị trường vốn ở Việt Nam hiện nay được đánh giá ở cấp độ 4.
Văn hóa khởi nghiệp, mật độ startup và các tổ chức hỗ trợ startup: Các yếu tố này của nước ta đang ở giai đoạn đầu cấp độ 3. Mật độ startup ở Việt Nam ngày càng dày phong phú, đặc biệt trong năm 2019, các startup về công nghệ xuất hiện ngày càng nhiều, sáng tạo và độc đáo.
Chính sách nhà nước, môi trường pháp lý, cũng như về nhân lực cho khởi nghiệp thì ở giai đoạn đầu cấp độ 3. Để khuyến khích tinh thần kinh doanh, chính phủ bên cạnh những nỗ lực xây dựng khung chính sách toàn diện còn đã thành lập một số quỹ ở cấp Nhà nước và cấp tỉnh/ thành phố để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra, họ cũng đã hợp tác với các quốc gia và ngân hàng, phát triển các chương trình tài trợ và đổi mới, cung cấp các khoản vay, đào tạo kỹ thuật và cố vấn kinh doanh. Hiện nay, Việt Nam đã chuyển từ giai đoạn mới xuất hiện sang giai đoạn kích hoạt, đang cố gắng bắt kịp với các hệ sinh thái khác bằng cách ứng dụng các thông lệ quốc tế về hỗ trợ khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk:
Theo kết quả tổng hợp từ các tư liệu sẵn có của địa phương cũng như dữ liệu thu thập được từ cuộc khảo sát, Hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang ở cấp độ 1: hệ sinh thái sơ khai. Mục tiêu đến năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Đắk Lắk đạt cấp độ 2, hệ sinh thái nền tảng.
Biểu đồ 1: Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk
(thời điểm khảo sát tháng 3/2019)
Nguồn: Kết quả khảo sát đề tài năm 2019
Kết quả khảo sát cho thấy, theo thang điểm đánh giá từ 1 đến 10, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Đắk Lắk được các doanh nghiệp đánh giá ở mức điểm trung bình. Cụ thể ở từng yếu tố được đánh giá như sau:
Hầu hết các chỉ tiêu được đánh giá ở mức trên điểm 3 và có một chỉ tiêu trên điểm 4 và một chỉ tiêu trên điểm 5. Chỉ tiêu có điểm đánh giá cao nhất là “Mật độ của khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp”, đạt 5.14/10 điểm, tiếp theo là đến “Chính sách và môi trường pháp lý” cũng được đánh giá cao hơn các chỉ tiêu còn lại. “Văn hóa khởi nghiệp” có số điểm đánh giá thấp nhất, 3.33/10 điểm. Chỉ tiêu về vốn, tài chính và nhân lực cho khởi nghiệp và sự kết nối với các địa phương lân cận cũng có mức đánh giá thấp tương đồng, lần lượt là 3.59 điểm, 3.63 điểm và 3.53 điểm.
Vốn và tài chính: Đắk Lắk có một hệ sinh thái khởi nghiệp sơ khai, số ít startup gọi được vốn đầu tư của các quỹ, phần nhiều vốn ban đầu của startup chủ yếu đến từ các khoản tiết kiệm, bạn bè hoặc gia đình. Hoạt động của các quỹ đầu tư mới có dấu hiệu khởi sắc (sự xuất hiện của các nhà đầu tư từ các tập đoàn lớn như Vingroup, FLC) nhưng chưa có tác động thật sự sâu sắc.
Văn hóa khởi nghiệp mới trong giai đoạn hình thành sơ khai ban đầu, trong nhận thức của người dân tỉnh Đắk Lắk đang có sự thay đổi suy nghĩ về khởi nghiệp, có tinh thần học hỏi tìm kiếm những cái mới để ứng dụng vào kinh doanh. Tuy nhiên, tâm lý ngại thay đổi, thích an toàn vẫn tồn tại. Các chương trình tập huấn, các cuộc thi, ngày hội khởi nghiệp, cà phê doanh nhân,… được tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh thực hiện trong năm 2019 nhằm tạo sức lan tỏa đến mọi thành phần về văn hóa khởi nghiệp.
Mật độ khởi nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk thời gian qua tăng đáng kể, điểm đánh giá là 5.14/10 điểm, số liệu thống kê về số doanh nghiệp thành lập mới ngày càng tăng, nhiều mô hình khởi nghiệp về nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thực hiện. Việc đầu tư và phát triển các ý tưởng đổi mới sáng tạo còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt về vốn và nhân lực.
Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ở Đắk Lắk hiện nay chủ yếu là từ phía nhà nước, cũng có sự kết nối với các doanh nghiệp như Viettel, Hội Doanh nhân trẻ…
C
hính sách nhà nước và môi trường pháp lý: Chỉ số này được đánh giá 4.73/10 điểm. Đắk Lắk thực hiện các chính sách về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực, chính sách thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 9239/KH-UBND ngày 16/11/2016 về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025. Tháng 6/2017, sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ có hướng dẫn cụ thể về triển khai Đề án 844, UBND tỉnh đã điều chỉnh và xây dựng lại kế hoạch cho phù hợp với mục tiêu, tình hình thực tế tại địa phương và ban hành Kế hoạch số 2722/KH-UBND ngày 09/4/2018 (thay thế Kế hoạch đã ban hành). Song song cùng kế hoạch còn có nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hội thảo… được tổ chức thường xuyên, định kỳ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như các ý tưởng khởi nghiệp mới trong tỉnh. Đến năm 2020, kế hoạch số 2106/KH-UBND ngày 13/3/2020 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc “Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh năm 2020” ra đời. Hệ thống chính sách và môi trường pháp lý là nền móng, tiền đề, cơ sở để các cá nhân/ nhóm có động lực và niềm tin khởi nghiệp. Sự quan tâm của Chính quyền địa phương đối với các doanh nghiệp trẻ cũng như quyết tâm cao độ triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ trong Đề án 844 thể hiện rõ nét trong năm 2018, chỉ số thiết chế pháp lý của Đắk Lắk đạt 6.21 điểm, tăng dần đều từ năm 2016 đến nay.
Về nhân lực: Đội ngũ chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý doanh nghiệp của tỉnh có trình độ học vấn tốt, hơn 43% chủ doanh nghiệp trẻ và chủ hộ kinh doanh tham gia khảo sát có trình độ cao đẳng, đại học, 2,72% có trình độ sau đại học. 28,85% người có trình độ THPT, tỷ lệ này chiếm chủ yếu ở nhóm chủ hộ kinh doanh. Lao động phổ thông chiếm tỷ lệ khá cao trong các doanh nghiệp. Nguồn nhân lực có kiến thức về công nghệ còn hạn chế. Nhân lực có sẵn nhưng khó phát hiện; các nhóm cộng đồng chuyên môn chưa có sự hợp tác với nhau.
Đắk Lắk có lợi thế nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, vừa là tiềm năng vừa là thách thức, đòi hỏi sự đầu tư nâng cao năng lực, tay nghề cho đội ngũ lao động để họ thích nghi, đáp ứng được nhu cầu thị trường hiện nay. Hoạt động đào tạo lao động qua các năm có xu hướng tăng. Tỉnh Đắk Lắk đã có những bước đi đúng đắn trong công tác phát triển nguồn lao động tại địa phương, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc tiếp cận nguồn lao động.
Nhìn chung, giai đoạn 2016-2019, tỉnh Đắk Lắk đã bám sát chủ trương của Chính phủ để thực hiện các chương trình hành động phát triển khởi nghiệp ở địa phương, năm 2019 là năm có nhiều hoạt động sôi nổi, đáng chú ý. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và sự chung tay của Hội ngành nghề, các doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh đã có bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, hệ sinh thái vẫn chưa được đánh giá cao, vẫn nằm trong giai đoạn cuối cấp độ 1, để tiến đến cấp độ 2 đòi hỏi sự tiếp tục duy trì những thành quả ở năm 2019 và có những phương án vượt trội trong kế hoạch của năm 2020.
Một số hạn chế trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh Đắk Lắk: chưa thu hút được khu vực tư nhân, nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khởi nghiệp; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai các hoạt động chưa có tính liên kết nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong phạm vi toàn tỉnh; Cộng đồng khởi nghiệp tỉnh nhìn chung còn nhỏ lẻ, hạn chế về mặt thương mại hóa, kiến thức tài chính, công nghệ… do đó gặp khó khăn, bị động khi gia nhập thị trường; các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như quảng bá sản phẩm, tài chính, đào tạo, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ… chưa thật sự đạt hiệu quả cao. Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo mới vừa ra mắt vào tháng 3/2020, còn sơ khởi, tuy nhiên vẫn chưa tìm được “nhà đầu tư thiên thần” đồng hành cùng hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh. Hệ sinh thái của tỉnh chưa có sự kết nối với các khu vực lân cận và các ngoài khu vực. Các hoạt động hỗ trợ của chính quyền về quảng bá sản phẩm, đào tạo, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin thị trường… chưa đạt hiệu quả cao.
3. Một số đề xuất giải pháp
Định hướng trước mắt của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam vẫn là củng cố về mặt chính sách, xây dựng môi trường pháp lý hỗ trợ hữu ích cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển kinh doanh. Thứ hai, phân tích kỹ lưỡng và lập sơ đồ các thành phần trong hệ sinh thái, mối quan tâm, nhu cầu hỗ trợ chính sách của doanh nghiệp.
Mỗi hệ sinh thái đều có tính độc đáo, thành phần trong các hệ sinh thái sẽ khác nhau. Vì vậy, việc tìm hiểu và khai thác thế mạnh, tiềm năng của địa phương khi hoạch định xây dựng phát triển hệ sinh thái là điều quan trọng. Đặc biệt đối với tỉnh Đắk Lắk, một tỉnh Tây nguyên có nhiều đặc trưng về bản sắc văn hóa, con người cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng.
Một số đề xuất trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Đắk Lắk: Đẩy mạnh huy động vốn cho cộng đồng khởi nghiệp; Cơ quan quản lý nhà nước tạo ra tầm nhìn chung và cầu nối; Nâng cao năng lực khởi nghiệp cho các cá nhân, tổ chức; Xây dựng, phát triển đa dạng các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Kết nối các địa phương trong vùng, mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tài liệu tham khảo
[1] Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (2019).
Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019. Nhà xuất bản Thống kê;
[2] Compass.co, Global Startup Ecosystem Report 2017;
[3] Dan Senor, Saul Singer (2011), Start-up Nation;
[4] Goswami K, Mitchell J. R, và Bhagavatula S. (2018). Accelerator expertise: Understanding the intermediary role of accelerators in the development of the Bangalore entrepreneurial ecosystem, Strategic Entrepreneurship Journal, vol.12, pp 117-150;
[5] Hanoi Times. (2019). Vietnam’s startup sector closes gap with Indonesia and Singapore. Viet Capital Securites. Truy xuất từ:
https://www.vcsc.com.vn/tin-chi-tiet/vietnams-startup-sector-closes-gap-with-indonesia-and-singapore/290889.
[6] Semrush. (2019). Cities Global Ranking of Startup Ecosystem. Startupblink. Truy xuất từ:
https://www.startupblink.com/;
[7] Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2018 (PCI). PCI Việt Nam. Truy xuất từ:
http://pci2018.pcivietnam.vn/;
[8] Mai Thanh. (2019). Đắk Lắk: Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu. Cổng thông tin điện tử Sở Công thương Đắk Lắk. Truy xuất từ:
https://socongthuong.daklak.gov.vn/news/tin-cong-thuong/dak-lak-san-pham-xuat-khau-chu-yeu-1292.html;
[9] Thông tư số 01/2018/TT-BKHCN ngày 12/4/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc Quy định tổ chức quản lý đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”;
[10] Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI (2017). Cơ chế hỗ trợ Doanh nghiệp Khởi nghiệp Sáng tạo: Kinh nghiệm quốc tế - Đề xuất giải pháp cho Việt Nam, 59 tr;
[11] Nguyễn Văn Trưởng (2018). Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp. Luận văn Thạc sỹ. Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
* Nghiên cứu viên, Học viện Kinh tế - Năng lượng.