Đề tài: Thực trạng và giải pháp đảm bảo VSATTP tỉnh Bến Tre

Thứ tư - 23/12/2015 12:06
Thực phẩm và sử dụng thực phẩm là nhu cầu thiết yếu của mọi người, mọi nhà, mọi lúc, mọi nơi, mọi thời đại. Vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân, vì thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của mỗi người, tác động đến sự phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội, ảnh hưởng đến tuổi thọ, đến chất lượng cuộc sống và về lâu dài còn ảnh hưởng đến sự phát triển nòi giống, dân tộc.

Thời gian qua, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến rất phức tạp. Rất nhiều loại thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, không an toàn đang được lưu hành trên thị trường, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng như sữa nhiễm melamine, rượu chứa nhiều methanol, ô mai, xí muội nhiễm chì (Pb), thịt đông lạnh nhập khẩu không rõ nguồn gốc, nhiễm vi sinh vật và có nhiều tạp chất, hết hạn sử dụng vẫn tiêu thụ trên thị trường; việc giết mổ và chế biến các loại gia súc, gia cầm không bảo đảm điều kiện vệ sinh; việc sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất chế biến thực phẩm, tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh trong nông nghiệp không đúng quy định còn khá phổ biến. Trong một cuộc khảo sát giữa năm 2010 tại một làng nghề chuyên sản xuất miến, bún khô, phở khô ở Hà Nội cho thấy: 15% các cơ sở sản xuất đều có chuồng heo nằm kế bên; 100% sản phẩm được phơi bằng phên tre bên lề đường bụi bặm và gần cống rãnh thoát nước thải không có nắp đậy; 60% nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu từ Trung Quốc với mùi khó chịu đều được chứa trong các bao tải và chất đống mất vệ sinh; hơn 50% hộ dùng chất tẩy trắng bột bằng Natri hydro sulphat, axit Clohydrit (HCl), thuốc tím và 50% số hộ dùng phèn chua để làm dai bột; tất cả người sản xuất trong làng nghề này đều chưa được tập huấn qua lớp vệ sinh an toàn thực phẩm; rất ít người đi khám sức khoẻ định kỳ theo quy định,v.v. Trong khi đó sự hiểu biết của người dân còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm (cấp tính lẫn mãn tính).

Tại hội thảo về an toàn thực phẩm được tổ chức vào ngày 23/10/2010, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố thống kê mới nhất: hàng năm Việt Nam có hơn 3 triệu trường hợp nhiễm độc từ thực phẩm, gây thiệt hại hơn 200 triệu USD. Còn khảo sát của Hội Ung thư thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: Vào những năm cuối thập niên 1990, số mắc bệnh ung thư mới được chẩn đoán là 4.500 ca/năm và tới năm 2005 đã là 5.500 ca. Xu thế đó không bị khống chế mà ngược lại đang gia tăng nhanh hơn trong 3 năm trở lại đây với con số cực kỳ đáng sợ với 150 ngàn bệnh nhân ung thư mới trong một năm.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, trong giai đoạn 2000 - 2006 đã có 174 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể với 14.653 nạn nhân; 97 vụ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với 9.898 nạn nhân; 58 vụ ngộ độc thực phẩm trong các trường học với 3.790 cháu bị ngộ độc thực phẩm và 2 cháu bị chết; 161 vụ ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố với 7.688 người mắc và 7 người chết. Năm 2010, do đã thực hiện hàng loạt các biện pháp thanh kiểm tra, chấn chỉnh tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trong cả nước, nên số vụ ngộ độc thực phẩm trong cả nước đã giảm hẳn.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng năm, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bến Tre tổ chức kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân, các cơ sở kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể, v.v. trên địa bàn tỉnh Bến Tre để mọi người nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù, công tác quản lý nhà nước được quan tâm chú trọng nhưng những năm gần đây vẫn xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm: Như vụ ngộ độc thực phẩm ở công ty may mặc Alliance Once (khu công nghiệp Gia Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre); vụ ngộ độc thực phẩm công nhân công ty TNHH một thành viên Pung Kook (Hàn Quốc) (trong khu công nghiệp Giao Long) và gần đây nhất, ngày 22/5/2013 là vụ ngộ độc thực phẩm ở tiệm bánh mỳ Minh Tuyến trên thành phố Bến Tre làm 173 người nhập viện. Tính từ năm 2010 đến năm 2013, toàn tỉnh Bến Tre xảy ra 21 vụ tại thành phố làm 691 người bị ngộ độc. Trong đó có 14 vụ ngộ độc do nhiễm vi sinh (có 670 người bị ngộ độc); 7 vụ do độc tố tự nhiên (21 người bị ngộ độc). Riêng năm 2013 có 5 vụ làm 251 người ngộ độc; 3 vụ ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố làm 246 người ngộ độc do nhiễm vi sinh; 2 vụ ngộ độc gia đình làm 5 người ngộ độc, 1 người chết do độc tố tự nhiên gây hoang mang dư luận.

Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, để vấn đề chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm không còn là nỗi lo của cộng đồng và xã hội, đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng cần thực hiện nhiều biện pháp cụ thể hơn trong công tác nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống. Để đánh giá thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Việc thực hiện đề tài Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Bến Tre” có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trên cơ sở đánh giá thực trạng vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tươi sống, đóng hộp, thức ăn nhanh, các nhà hàng, quán ăn, các bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, trường dạy nghề, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Nguồn tin: Viện Thực phẩm Việt Nam tin cậy

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Mã bảo mật   

Hỗ trợ trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây