Đề tài: Xây dựng mô hình đào tạo cạnh xí nghiệp phục vụ phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm tỉnh Hậu Giang

Thứ tư - 09/03/2016 14:23
Sau hơn 7 năm, tính từ ngày chia tách (2004), nền kinh tế Hậu Giang đã có bước phát triển đáng kể. Từ một tỉnh thuần nông nghiệp, Hậu Giang từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các cơ sở, đơn vị kinh doanh đã tăng lên cả về số lượng lẫn quy mô. Nhu cầu tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp cũng tăng theo. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch 2 khu công nghiệp với diện tích hơn 490ha (Khu công nghiệp Sông Hậu (giai đoạn 1), Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh (giai đoạn 1), v.v. Dự kiến đến năm 2015, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp tập trung khoảng 30.000 người. Với lợi thế là nguồn “lao động dồi dào, chiếm 65% dân số cả tỉnh”[1], đây chính là cơ hội cho Hậu Giang phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nỗi quan ngại của đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức chính là nguồn lao động. Các đơn vị không tuyển đủ lao động cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh; trong khi đó số lượng người lao động thất nghiệp lại còn nhiều.
   Theo số liệu thống kê, năm 2010 toàn tỉnh Hậu Giang có gần 4.300 lao động thất nghiệp có độ tuổi từ 15 trở lên (nữ đến 55 tuổi, nam đến 60 tuổi). Trong đó, đa số lao động thất nghiệp ở khu vực nông thôn, chiếm hơn 3.500 người. Số lao động thất nghiệp ở nam nhiều hơn so với nữ (nam là 2.360 người, nữ là khoảng 1.900 người). Rõ nhất là ở thành phố Vị Thanh, khu vực nội thị có 345 lao động thất nghiệp, nhưng ở nông thôn đến 918 lao động thất nghiệp[2]. Nhiều lao động học 2 hay 3 nghề những vẫn thất nghiệp. Trong khi đó, thông tin việc làm đến người lao động lại rất hạn chế. Từ năm 2005-2010, các trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh đã tư vấn cho gần 50.000 lao động. Nhưng số lao động tìm được việc làm không đáng kể, chỉ hơn 5.000 trường hợp[3]. Nguyên nhân được thống kê là do thiếu hệ thống cơ sở tư vấn và giới thiệu việc làm, lực lượng cộng tác viên cơ sở cũng còn hạn chế cả về số lượng, năng lực. Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo nghề chưa tìm ra được một lộ trình và mô hình đào tạo hiệu quả để có thể rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường với doanh nghiệp. Nói cách khác, chương trình đào tạo nghề, mô hình đào tạo nghề phải kết nối và cập nhật với nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động. Thực hiện được công tác trên, sẽ tạo ra một lợi thế to lớn không chỉ cho nhà trường mà cho cả doanh nghiệp và người lao động. Bởi lẽ, người lao động không những tìm được việc làm với một tay nghề được đào tạo bài bản, phù hợp với đòi hỏi của công việc về năng lực, phẩm chất cũng như đạo đức nghề nghiệp. Nhà trường không chỉ đào tạo được đội ngũ học viên với chất lượng đạt chuẩn mà còn trở thành nơi tư vấn và hướng nghiệp cho học viên, nơi cung ứng nguồn lao động. Khi mô hình đào tạo kết hợp nhu cầu doanh nghiệp với chương trình đào tạo của nhà trường thì doanh nghiệp và cơ sở sản xuất sẽ trở thành nơi sử dụng nguồn lao động do nhà trường cung cấp với đội ngũ lao động đã được trang bị kỹ năng, tay nghề cơ bản có thể đáp ứng yêu cầu của mình. Doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được chi phí đào tạo mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất với mô hình đào tạo trên.
   Mô hình đào tạo cạnh xí nghiệp góp phần giảm tải áp lực cho các kỳ thi đại học quốc gia hàng năm, giảm áp lực nghề nghiệp và tâm lý cho học viên cũng như các bậc phụ huynh học sinh. Làm được điều này, góp phần vào việc tạo thế cân bằng trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp hiện nay ở Việt Nam - một vấn đề vốn đã và đang mất cân bằng trong hệ thống đào tạo nghề và đào tạo bậc đại học hiện nay.
   Vì vậy, việc thực hiện đề tài Xây dựng mô hình đào tạo cạnh xí nghiệp phục vụ phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm tỉnh Hậu Giang” sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
 
[1] baohaugiang.com.vn
[2] Đã dẫn.
[3] tamgiangcity.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Mã bảo mật   

Hỗ trợ trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây