Nguồn nhân lực KH&CN tỉnh An Giang, tầm nhìn tới năm 2030

Thứ tư - 23/12/2015 09:40
Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ càng giữ vai trò quan trọng hơn trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, chính trị, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, như bất bình đẳng, đói nghèo, các vấn đề về môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

An Giang là tỉnh có nhiều lợi thế về kinh tế, xã hội, địa chính trị, song chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở An Giang vẫn còn thấp so mặt bằng chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Để xây dựng nền kinh tế tri thức tỉnh An Giang trong điều kiện hội nhập quốc tế, cần phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ một cách toàn diện, cả về trí lực, thể lực, tâm lực phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh và miền Tây Nam Bộ. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh hướng đến năm 2020 căn cứ trên nhiều vấn đề có ảnh hưởng đến vị trí của An Giang trong bức tranh tổng thể của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có việc tạo nên thế liên kết giữa An Giang và các tỉnh trong khu vực, mở ra liên kết quốc tế về phát huy các nguồn lực, tiếp cận với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là với thành phố Hồ Chí Minh, qua đó thúc đẩy sự phát triển nhiều mặt của tỉnh An Giang nhằm đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội trung hạn và dài hạn.

An Giang lại là địa bàn có nhiều dân tộc, tôn giáo, biên giới với nước Campuchia, là cửa ngõ phát triển giao lưu các nước ASEAN, là tỉnh trọng điểm Tây Nam Bộ với nhiều lợi thế phát triển trong tương lai như: Trung tâm nông nghiệp của vùng về giống cây trồng vật nuôi, trung tâm kinh tế thương mai dịch vụ biên giới, trung tâm du lịch, trung tâm dịch vụ y tế, do đó, đầu tư phát triển nguồn nhân lực chính là mấu chốt để phát triển kinh tế xã hội. Nói khác đi, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh An Giang trong điều kiện hiện nay không chỉ là vấn đề của riêng An Giang, mà còn của khu vực, hòa nhịp cùng sự phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cả nước.

Vì thế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của An Giang cần đến sức mạnh và tính hiệu quả của sự liên kết vùng, liên kết khu vực. Mặt khác, việc hình thành chiến lược và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh nhà không thể không tính đến các yếu tố văn hóa, tôn giáo, dân tộc và các yếu tố địa chính trị đặc thù của địa phương. Đây là điều quan trọng gắn với lợi thế so sánh của tỉnh, thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa cái phổ biến và cái đặc thù trong quan điểm phát triển xã hội. Xác định được điểm mạnh và điểm yếu, thời cơ và thách thức, hình thành chiến lược, kế hoạch, lộ trình và giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có tầm quan trọng đối với sự phát triển tổng thể, lâu dài của tỉnh An Giang.

Hội thảo khoa học về “Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh An Giang, tầm nhìn tới năm 2030”, thuộc đề tài “Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh An Giang - Thực trạng và giải pháp” do Liên hiệp Khoa học Kinh tế - Đô thị Nam bộ chủ trì thực hiện, là diễn đàn trao đổi thông tin góp vào định hướng chiến lược thu hút, sử dụng, duy trì và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh An Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Nguồn tin: Liên hiệp Khoa học Kinh tế - Đô thị Nam bộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Mã bảo mật   

Hỗ trợ trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây