Phát triển kinh tế bền vững là yêu cầu cấp bách, cơ bản, lâu dài của nhiều quốc gia vùng lãnh thổ và địa phương. Nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Á, Nam Mỹ... đã phải trả giá đắt cho việc phát triển kinh tế thiếu bền vững với những hậu quả nghiêm trọng như huỷ hoại tài nguyên, ô nhiễm môi trường, đói nghèo và bất công xã hội. Một số nước khác như: Trung Quốc, Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với mâu thuẫn gay gắt giữa duy trì tốc độ
tăng trưởng kinh tế cao với bảo đảm nguồn lực cho tăng trưởng. Chính vì thế, ngày 20/6/2012, 90 nguyên thủ quốc gia và hơn 50.000 đại biểu đại diện cho 191 nước thành viên của Liên hợp quốc (LHQ) đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn” (The Future We Want). Tại đây các nhà lãnh đạo trên thế giới đã thảo luận và xác định mục tiêu cũng như các chỉ số mới về phát triển bền vững, đổi mới phương thức tài trợ và các biện pháp nhằm nhanh chóng loại bỏ các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững hiện nay.
Phát triển kinh tế của Việt Nam xuất phát từ một nền nông nghiệp. Sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã có bước phát triển, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại nhiều khó khăn, trở ngại: tốc độ phát triển kinh tế chưa ổn định; cơ cấu lao động và việc làm còn mất cân đối; quy mô, tồn tại sự chênh lệch về tốc độ phát triển công nghiệp giữa các tỉnh, khu vực; ô nhiễm môi trường gia tăng, di cư lao động từ nông thôn - thành thị mang tính cục bộ, quỹ đất nông nghiệp giảm, độ che phủ an sinh xã hội còn thấp,… Chính vì vậy, vấn đề mang tính quy luật để đảm bảo cho
kinh tế phát triển bền vững, cần huy động, sử dụng và phối hợp các nguồn lực một cách hiệu quả. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, việc phát huy nguồn lực bên trong cần được chú trọng, đồng thời kết hợp với nguồn lực bên ngoài để phát huy và bổ sung nguồn lực nhằm nuôi dưỡng, phát triển, duy trì tốc độ phát triển một cách ổn định.
Trà Vinh là tỉnh duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 2.292 km
2, dân số khoảng 1,1 triệu người, gồm 1 thành phố tỉnh lỵ và 7 huyện; phía Đông giáp biển Đông với 65 km bờ biển, phía Tây giáp Vĩnh Long, phía Nam giáp Sóc Trăng, phía Bắc giáp Bến Tre. Trà Vinh cách thành phố Hồ Chí Minh 200 km, Cần Thơ 95 km, được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu đổ ra 2 cửa (Cung Hầu và Định An) ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, thuận tiện về giao thông đường thuỷ. Trà Vinh có điều kiện để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại cửa biển Định An, nằm trong vùng nhiệt đới có khí hậu ôn hòa với nhiệt độ trung bình từ 26-27
0C, độ ẩm khoảng 80-85%/năm, thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp và du lịch.
Trà Vinh thuộc vùng kinh tế Động lực phía Nam, tỉnh đã có những thành tựu trong việc phát triển kinh tế. Hơn 15 năm qua, Trà Vinh luôn duy trì tốc độ phát triển kinh tế ở mức từ 8-10%/năm. Mức tăng trưởng kinh tế thời kỳ 1996-2000 đạt 8,87%; thời kỳ 2001-2005 đạt 11,64%; thời kỳ 2006-2010 đạt 11,64%. Về cơ cấu kinh tế: cơ cấu kinh tế C
ông nghiệp - xây dựng: 23,59%;
thương mại - dịch vụ: 32,56%;
nông lâm - thuỷ sản: 43,85%
[1]. Đến thời điểm năm 2011, tỉnh đã có khu kinh tế Định An, khu công nghiệp Long Đức, khu công nghiệp Cổ Chiên, khu công nghiệp Cầu Quan, các khu công nghiệp này có đóng góp quan trọng vào ngân sách.
Về nông nghiệp - thuỷ sản
: đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển cây lúa, cây công nghiệp, cây ăn quả, hoa màu và chăn nuôi. Do đó, tỉnh Trà Vinh đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Các sản phẩm từ trồng trọt và chăn nuôi không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn phục vụ cho xuất khẩu.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, hiện nay tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển. Những khó khăn, hạn chế đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh tổng kết, khẳng định tại Báo cáo số 191/UBND-TH, ngày 17/12/2010, về tình hình thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010)
[2]:
Một là, các chỉ tiêu về kinh tế chưa đạt theo yêu cầu của Nghị quyết; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư và cơ cấu lao động còn chậm. Quy hoạch, thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp chưa tốt, đầu tư thiếu đồng bộ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao chưa nhiều, công tác xã hội hóa về giống cây trồng, vật nuôi, bảo vệ thực vật còn hạn chế, chưa triển khai được mô hình chăn nuôi tập trung an toàn sinh học. Thuỷ sản có tập trung đầu tư, nhưng chưa đủ mạnh để phát triển nhanh, hiệu quả; năng lực khai thác xa bờ chưa được phát huy tốt, nuôi thuỷ sản theo hình thức công nghiệp tăng chậm. Hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi thuỷ sản chưa đáp ứng được yêu cầu.
Hai là, quy mô sản xuất công nghiệp còn phân tán, chỉ mới hình thành các khu vực tập trung, khó xử lý về môi trường; giá trị sản xuất trong khu, cụm công nghiệp còn nhỏ. Công tác quản lý nhà nước về thương mại - dịch vụ chưa theo kịp với tình hình mới. Phát triển chợ, siêu thị còn chậm, một số chợ vùng nông thôn đã đầu tư nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Phát triển và khai thác du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Sức cạnh tranh hàng hóa chưa cao, mặt hàng chưa đa dạng. Nhiều sản phẩm nông, ngư nghiệp chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, người sản xuất bị thua thiệt.
Ba là, việc huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư xây dựng cơ bản còn dàn trải, nhiều công trình triển khai chậm và kéo dài, có công trình dự án không sử dụng hết nguồn vốn bố trí hàng năm. Hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị thực hiện chưa tốt. Tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, kinh tế hợp tác hiệu quả hoạt động chưa cao, kinh tế trang trại năng lực sản xuất, tay nghề chưa đạt yêu cầu.
Bốn là, vai trò của khoa học công nghệ trong ứng dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chưa được phát huy đúng mức, nguồn lực về khoa học công nghệ còn thấp so với khu vực. Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nhân dân chưa sâu rộng, mô hình áp dụng chuyển giao công nghệ chưa được sơ, tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời.
Năm là, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động chưa chuyển biến mạnh, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, xuất khẩu lao động còn ít. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo còn chậm, mức sống của người lao động (nông dân, công nhân trực tiếp sản xuất) thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào Khmer. Trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội một số địa phương vẫn chưa thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án nhằm phát huy hiệu quả vốn đầu tư thúc đẩy phát triển sản xuất và giảm nghèo.
Sáu là, trong lãnh đạo điều hành của một số cơ quan có vấn đề xử lý còn chậm, điều hành phối hợp giữa các ngành, các cấp từng lúc thiếu đồng bộ. Một bộ phận cán bộ trình độ, năng lực. Tính năng động, sáng tạo, tự lực vươn lên của một số ngành, địa phương còn hạn chế. Kiểm tra, giám sát thiếu thường xuyên, trong lãnh, chỉ đạo sơ, tổng kết rút kinh nghiệm chưa kịp thời.
Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài "
Giải pháp phát huy năng lực nội sinh đảm bảo cho kinh tế Trà Vinh phát triển bền vững trong tiến trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay" đáp ứng được tính cấp thiết trong tiến trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế nước ta và của địa phương. Việc nghiên cứu này nhằm tìm tăng cường huy động và sử dụng nội lực đảm bảo cho kinh tế phát triển một cách bền vững đang là vấn đề bức xúc, đồng thời có tính cơ bản, lâu dài đối với tỉnh Trà Vinh.
[1] Nghị quyết số 08/2010/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh ngày 10/12/2010, về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015).
[2] Bổ sung theo ý kiến của Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, ngày 15/6/2012.