Chất lượng nguồn nhân lực KHCN trong các ngành kinh tế tỉnh An Giang

Thứ tư - 23/12/2015 11:59
Chất lượng nguồn nhân lực KHCN là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến chất lượng nguồn lao động nói chung, đặc biệt trong bối cảnh An Giang hướng đến nền kinh tế tri thức. Chất lượng nguồn nhân lực KHCN biểu hiện ở năng lực sáng tạo, kỹ năng, khả năng thích nghi của người lao động thông qua các chỉ số: trình độ học vấn, chuyên môn đào tạo, trình độ ngoại ngữ, tin học,… Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo kỹ thuật, chuyên môn trong các ngành kinh tế của tỉnh An Giang vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Về trình độ chuyên môn đào tạo: Tuy An Giang có nguồn nhân lực trong các ngành kinh tế dồi dào về số lượng, nhưng trình độ chuyên môn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh. Lao động ở khu vực nông thôn chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, số người bị mù chữ vẫn còn, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa, những vùng đặc biệt khó khăn[1]. Theo khảo sát của đề tài, nguồn nhân lực KHCN trong các ngành kinh tế ở An Giang có trình độ cao đẳng chiếm tỷ lệ tương đối với 15.3%. Nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong ngành là cử nhân/kỹ sư chiếm tỷ lệ cao với 77.8%. Đây là những lao động được đào tạo bài bản và đủ điều kiện tham gia vào nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao. Tuy nhiên, trên thực tế trình độ của nguồn lao động trong các ngành kinh tế của tỉnh An Giang còn thấp so với các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng như các khu vực trong cả nước. Lao động được đào tạo sau đại học chưa nhiều chỉ chiếm 6.9%. Như vậy, có thể thấy hiện nay An Giang vẫn còn thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành và cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi, có khả năng hoạch định chính sách, chiến lược trong các ngành kinh tế.
Bảng 3: Trình độ chuyên môn nguồn nhân lực KHCN của các ngành kinh tế tỉnh An Giang
Nội dung Tần suất Phần trăm
Cao đẳng 51 15.3
Cử nhân/Kỹ sư 259 77.8
Thạc sỹ 23 6.9
Tổng số 333 100
Nguồn: Kết quả khảo sát của đề tài năm 2015
Về trình độ ngoại ngữ: Trong hầu hết các lĩnh vực, ngành thuộc kinh tế như kinh doanh, ngân hàng, truyền thông, du lịch.... thì việc thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đóng vai trò rất quan trọng. Đây là yêu cầu tất yếu của lao động kỹ thuật cao nhằm đáp ứng các quy trình công nghệ thường xuyên được đổi mới, là năng lực cần thiết trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh An Giang. Theo khảo sát, đối tượng nguồn nhân lực KHCN trong các ngành kinh tế ở An Giang đều đánh giá trình độ tiếng Anh của mình đạt tiêu chuẩn bằng A tương ứng với tỷ lệ 100%. Điều này đồng nghĩa với năng lực ngoại ngữ của nguồn nhân lực KHCN trong các ngành kinh tế của tỉnh còn rất thấp. Họ chỉ có thể hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật, các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể,…Điều này dẫn đến hạn chế trong công việc, khó khăn trong giao tiếp, làm hạn chế khả năng tiếp cận tri thức tiên tiến, hội nhập quốc tế về KHCN,… và tạo ra những rào cản trong quá trình phát triển các ngành kinh tế của tỉnh An Giang.

Về trình độ tin học: Hiện nay, tin học đã thâm nhập vào hầu hết các các ngành kinh tế. Việc sử dụng thành thạo những ứng dụng cơ bản trong công nghệ thông tin là rất quan trọng nhằm hỗ trợ công việc cũng như giúp người lao động nắm bắt các vấn đề, thông tin của thị trường. Theo khảo sát của đề tài, có 100% lượt lựa chọn đánh giá khả năng tin học của mình đạt trình độ A theo hệ thống tiêu chuẩn quốc gia. Trình độ tin học của nguồn nhân lực KHCN trong các ngành kinh tế ở tỉnh An Giang được đánh giá cao khi có đến 92.5% người đánh giá ở mức khá, có 7.5% người đánh giá ở mức trung bình. Với mức này trình độ tin học của nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Bảng 4: Đánh giá trình độ tin học nguồn nhân lực KHCN  An Giang
Nội dung Tần suất Phần trăm
Khá 308 92.5
Trung bình 25 7.5
Tổng số 333 100
 
Nguồn: Kết quả khảo sát của đề tài năm 2015
Về chuyên ngành đào tạo: Thực tế có rất nhiều chuyên ngành đào tạo liên quan, phù hợp với các công việc trong các ngành kinh tế. Theo khảo sát của đề tài, số lao động đánh giá công việc đang đảm nhận phù hợp với chuyên môn đào tạo chiếm 70,6%. Nhìn chung, bước đầu trong quá trình phát triển trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân lực tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu công việc. Điều này tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của tỉnh hiện nay và trong tương lai. Tuy nhiên, để đáp ứng ngày càng hơn nữa nhu cầu phát triển của tỉnh trong tương lai cần có những chính sách đào tạo cụ thể nhằm củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn nguồn nhân lực bởi trên địa bàn tỉnh con số công việc không phù hợp còn chiếm tỉ lệ khá cao 21.9%.
Bảng 5: Mức độ phù hợp giữa công việc và trình độ chuyên môn
Nội dung Tần suất Phần trăm
Rất phù hợp 25 7.5
Phù hợp 235 70.6
Không phù hợp 73 21.9
Tổng số 333 100
 
Nguồn: Kết quả khảo sát của đề tài năm 2015
         
Yếu tố về tinh thần, ý chí, phẩm chất đạo đức: Ngoài các chỉ tiêu có thể định lượng thì vấn đề tinh thần, ý chí và phẩm chất đạo đức,… cũng là yếu tố quyết định đến chất lượng của nguồn nhân lực KHCN. Theo khảo sát của đề tài, khi đánh giá các chỉ tiêu định tính thì ngoài chỉ tiêu sức khỏe được đánh giá ở mức khá thì các chỉ tiêu về tính kỷ luật và trách nhiệm trong công việc, tính đoàn kết, khả năng làm việc với đối tác của nguồn nhân lực KHCN trong các ngành kinh tế của tỉnh An Giang đều được đánh giá ở mức khá. Tuy nhiên, điểm yếu chung của các nguồn nhân lực KHCN ở Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng là tinh thần làm việc nhóm thấp. Điều này có thể lý giải bởi các nguyên nhân: tinh thần trách nhiệm công việc còn kém; trách nhiệm tập thể còn hạn chế; đề cao lợi ích cá nhân, thiếu nhân lực có năng lực tổ chức, điều hành theo nhóm,…Vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp, tổ chức trong các ngành kinh tế là phải nâng cao tinh thần và khả năng làm việc nhóm, hướng đến mục tiêu chung của nguồn nhân lực KHCN. Điều này góp phần xây dựng hình ảnh văn hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế tỉnh An Giang.

Ngày nay, thị trường luôn biến động các thông tin trên thị trường thay đổi liên tục, đòi hỏi mỗi lao động phải chủ động để thích nghi tốt trong hoàn cảnh nhằm đảm bảo hiệu quả công việc. Tuy nhiên, nguồn nhân lực KHCN trong các ngành kinh tế tỉnh An Giang còn bị động trước những thay đổi của công việc, tinh thần trách nhiệm thái độ làm việc còn hạn chế. Theo khảo sát của đề tài, tính chủ động, linh hoạt, thích ứng của nguồn nhân lực KHCN trong các ngành kinh tế còn thấp khi có đến 33.6% ý kiến đánh giá ở mức trung bình. Điều này thể hiện ở chỗ nhiều người còn bảo thủ trong cách nghĩ, cách làm, thiếu sự năng động, sáng tạo và đổi mới; tác phong còn chậm chạp, rườm rà, thái độ thờ ơ,... dẫn đến sự trì trệ về phương thức hoạt động trong các ngành kinh tế. Vì vậy, cần có những giải pháp nâng cao tính tích cực trong lao động của nguồn nhân lực KHCN trong các ngành kinh tế tỉnh.
Bảng 6: Đánh giá về tính chủ động, linh hoạt, thích ứng trong công việc của nguồn nhân lực KHCN tỉnh An Giang
Nội dung Tần suất Phần trăm
Khá 24 7.2
Trung bình 112 33.6
Yếu 197 59.2
Tổng số 333 100
Nguồn: Kết quả khảo sát của đề tài năm 2015
Tóm lại, vấn đề phát triển nguồn nhân lực KHCN trong các ngành kinh tế ở An Giang hiện nay còn gặp rất nhiều vấn đề khó khăn, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa thực sự là nền tảng tốt cho phát triển nguồn nhân lực KHCN trong ngành. Chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều giữa khu vực thành thị với nông thôn và miền núi; thiếu hụt lực lượng lớn nguồn nhân lực KHCN để phát triển các lĩnh vực ưu tiên như y tế, du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo kỹ thuật, chuyên môn trong các ngành kinh tế của tỉnh vẫn còn thấp, chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế trong khu vực và cả nước. Vì vậy, để nguồn nhân lực KHCN thực sự là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh An Giang cần tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực toàn diện, có chất lượng, nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu, định hướng phát triển, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng CNH - HĐH. Trong đó, cần xác định đào tạo nguồn nhân lực là bước đột phá quan trọng bên cạnh chính sách thu hút nhân tài, tạo các điều kiện thuận lợi cho hoạt động ứng dụng, nghiên cứu khoa học công nghệ,…
 
[1] Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, Đề án Phát triển thương mại nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020.

Nguồn tin: Liên hiệp Khoa học Kinh tế - Đô thị Nam bộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Mã bảo mật   

Hỗ trợ trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây