Những yếu tố tác động đến nguồn nhân lực KHCN tỉnh An Giang

Thứ tư - 10/02/2016 11:17
hiệu quả sử dụng và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Trong phạm vi nghiên cứu của tham luận trình bày 6 yếu tố:
Những yếu tố tác động đến nguồn nhân lực KHCN tỉnh An Giang (ảnh minh họa)
Những yếu tố tác động đến nguồn nhân lực KHCN tỉnh An Giang (ảnh minh họa)
Nguồn nhân lực khoa học công nghệ là yếu tố quyết định trong số các nguồn lực phát triển, đặc biệt trong phát triển bền vững của bất cứ tổ chức hay quốc gia nào. Các nguồn lực phát triển khác như vốn đầu tư, tài nguyên thiên nhiên, khoa học - công nghệ, chính sách, v.v. chỉ được khai thác hiệu quả và phát huy tác dụng đúng đắn khi nguồn nhân lực khoa học công nghệ đảm bảo chất lượng cần thiết. Tuy nhiên, để phát huy hết nội lực nguồn nhân lực khoa học công nghệ cần có những hiểu biết, đánh giá chính xác về các yếu tố tác động đến việc sử dụng, duy trì và phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Để từ đó có những định hướng tối ưu cho chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, phục vụ phát triển nền kinh tế tri thức tỉnh An Giang. Từ những lý do trên, việc thực hiện tham luận “Những yếu tố tác động đến hiệu quả sử dụng và phát triển nguồn nhân lực  khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang hiện nay” có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

1. Yếu tố giáo dục và đào tạo:
Giáo dục và đào tạo là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng sản xuất, quyết định sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Bởi tri thức và phẩm chất người lao động là sản phẩm của quá trình giáo dục và đào tạo. Với ý nghĩa đó yếu tố giáo dục - đào tạo là một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng, trực tiếp đến việc thu hút, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực khoa học công nghệ nói riêng.

Trong những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hoạt động nhằm đổi mới phương pháp dạy và học, củng cố nâng cao chất lượng giáo dục được ngành và địa phương quan tâm thực hiện mang lại hiệu quả cao. Cụ thể như trong Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thực hiện năm 2014 và đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2015 cho thấy[1]: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2014 đạt 99,64% (năm 2013 là 98,97%). Năm học 2014 - 2015, tỷ lệ huy động học sinh vào nhà trẻ 3.673 em, đạt 99,3% kế hoạch (cùng kỳ 77,8%); mẫu giáo 57.014 em, đạt 95,8% kế hoạch (cùng kỳ 98,2%); tiểu học 196.341 em, đạt 101,2% kế hoạch (cùng kỳ 101,26%); trung học cơ sở 113.776 em, đạt 99,37% kế hoạch (cùng kỳ 97,9%); trung học phổ thông 43.196 em, đạt 91,8% kế hoạch (cùng kỳ 94,38%). Với ý nghĩa và tầm quan trọng ấy, đầu tư cho giáo dục được xem như là đầu tư cho phát triển.
Tuy nhiên, trong những năm qua nhìn chung cơ sở giáo dục - đào tạo tại tỉnh An Giang còn gặp nhiều thiếu thốn cần được đầu tư nhiều hơn nữa (với tần suất 463 trên 898 lượt trả lời chiếm 51,6%).
Bảng 1: Đánh giá về cơ sở giáo dục - đào tạo tỉnh An Giang hiện nay
Nội dung Tần suất Phần trăm % hợp lệ
Hiện đại nhưng chưa được sử dụng hiệu quả 391 43.5 43.5
Tạm ổn, đáp ứng được yêu cầu dạy và học 13 1.4 1.4
Lạc hậu, cần phải mua trang thiết bị mới 31 3.5 3.5
Còn thiếu thốn, cần được xây dựng và bổ sung thêm 463 51.6 51.6
Tổng 898 100.0 100.0

Nguồn: Báo cáo xử lý - phân tích số liệu điều tra năm 2015 
Qua đó cho thấy An Giang cần có những nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác giáo dục và đào tạo để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nói chung và nguồn nhân lực khoa học và công nghệ nói riêng.

2. Yếu tố kinh tế - xã hội:
  Hệ thống chính trị, kinh tế và các chính sách xã hội là một trong những nhân tố liên quan đến nguồn nhân lực, đến thị trường sức lao động. Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội là mối quan hệ nhân quả, quan hệ qua lại hai chiều. Kinh tế - xã hội càng phát triển thì khả năng đầu tư của nhà nước và xã hội cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nhân lực khoa học công nghệ ngày càng tăng, tạo mọi cơ hội và môi trường thuận lợi cho phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Ngược lại, nguồn nhân lực nói chung và nhân lực khoa học công nghệ của quốc gia, địa phương được phát triển tốt sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và trong vòng xoáy ốc thuận chiều này nhân tố nọ kích thích nhân tố kia phát triển.

  Kinh tế - xã hội tỉnh An Giang trong những năm qua từng bước được hoàn thiện về hệ thống các cơ sở vật chất nhằm đáp ứng mục tiêu CNH-HĐH. Nông nghiệp đảm bảo diện tích trồng lúa nước theo quy hoạch, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Công nghiệp hướng đến xây dựng hoàn chỉnh các khu công nghiệp tập trung, gồm KCN Vàm Cống (TP. Long Xuyên) với diện tích 500ha, KCN Hội An (huyện Chợ Mới) với diện tích 100ha và một số KCN cấp huyện khác trên địa bàn tỉnh.

3. Yếu tố khoa học và công nghệ:
Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ ảnh hưởng lớn đến phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực khoa học công nghệ nói riêng. Những tiến bộ khoa học và công nghệ làm thay đổi cơ cấu lao động của mỗi quốc gia, mỗi địa phương, làm thay đổi tính chất, nội dung lao động nghề nghiệp của người lao động, làm cho lao động trí óc tăng dần và lao động chân tay ngày càng có khuynh hướng giảm đi. Những tiến bộ của khoa học và công nghệ cũng đã làm thay đổi nội dung, phương pháp dạy học từ giáo dục phổ thông đến đại học. Do vậy, cần phải nghiên cứu cải tiến, mềm hóa chương trình, phương thức đào tạo để tạo điều kiện cho người lao động.

  Tỉnh An Giang trong những năm qua tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn giai đoạn 2012- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong những năm qua tỉnh đã nỗ lực, tích cực đầu tư ưu tiên phát triển khoa học và công nghệ tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể như [2]: năm 2014 tỉnh đã ban hành danh mục đề tài, trong đó có 13 đề tài thuộc lĩnh vực trồng trọt, 02 đề tài thuộc lĩnh vực chăn nuôi - thủy sản, 09 thuộc lĩnh vực y tế và 02 thuộc lĩnh vực khác; tổ chức sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.....

  Tóm lại, sự tiến bộ khoa học và công nghệ hiện nay đang từng bước được quốc tế hóa tạo nên sự cạnh tranh gay gắt về năng suất, chất lượng, giá thành. Do vậy, nghiên cứu cải tiến, mềm hóa chương trình, phương thức đào tạo để tạo điều kiện cho người lao động linh động trong học tập để không ngừng cập nhật, nâng cao trình độ trước những thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ mới hiện nay.

4. Truyền thống lịch sử và giá trị văn hóa:
  Các giá trị văn hóa truyền thống, tập quán, thói quen, lễ nghi, các quy phạm tư tưởng và đạo đức… tạo nên lối sống văn hoá và môi trường hoạt động xã hội của con người nói chung và nguồn nhân lực khoa học và công nghệ nói riêng. Truyền thống lịch sử và giá trị văn hóa gồm ý thức dân tộc, lòng tự hào về những giá trị truyền thống là yếu tố cơ bản, có ý nghĩa xuyên suốt không chỉ hôm nay mà cả về sau.
  Tỉnh An Giang là nơi phát hiện đầu tiên di chỉ văn hóa Óc Eo gắn với vương quốc Phù Nam, một nền văn minh lớn, hình thành và phát triển rực rỡ vào những năm đầu công nguyên cho đến thế kỷ VIII. Suốt trong quá trình hình thành và phát triển nền văn minh này đã xây dựng, kiến tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc mang tính chất con người Việt Nam. Là nơi có giá trị văn hóa lịch sử lâu đời nó kiến tạo nên những giá trị con người một cách sâu sắc nhất. Những giá trị đó có tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hiện nay.

5. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế:
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực khoa học công nghệ nói riêng, bởi những nhân tố này đã tạo điều kiện cho các quốc gia, địa phương kết hợp tốt nhất sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế, phát huy được nội lực và mọi tiềm năng sáng tạo. Đồng thời, tranh thủ được tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển. Xu thế hội nhập quốc tế có tác động nhiều mặt và đặt ra những yêu cầu mới đối với việc phát triển nguồn nhân lực ở mỗi quốc gia.

Kinh tế tri thức hiện nay được xem là nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến phát triển nguồn nhân lực, bởi sức lan tỏa mạnh mẽ và được xem như là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, quá trình CNH, HĐH nói riêng, nó thúc đẩy sự tăng nhanh năng suất lao động, sở hữu cá nhân và sở hữu xã hội, tạo ra bước đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự phát triển kinh tế tri thức đến trình độ nào đó sẽ làm thay đổi phương thức lao động và sản xuất, phương thức tiêu dùng và lối sống của xã hội trong nền văn minh mới. Phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực khoa học công nghệ cần có những phương pháp tiếp cận hệ thống trong nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực, đặt phát triển nguồn nhân lực trong mối tương quan với các nhân tố tác động đến nó nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực, tìm ra những giải pháp hữu hiệu để phát triển nguồn nhân lực cho đất nước trong bối cảnh mới.

6. Nhóm yếu tố tổ chức:
- Khả  năng thăng tiến trong công việc:
Thăng tiến cũng là một nhu cầu thiết thực của người lao động vì sự thăng tiến tạo cơ hội cho sự phát triển cá nhân, tăng địa vị, uy tín cũng như quyền lực của người lao động. Do đó, khả năng thăng tiến cũng là một trong những nhân tố quan trọng liên quan đến nguồn nhân lực, đến thị trường sức lao động

An Giang cần có những chính sách trong khuyến khích nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực khoa học công nghệ nói riêng về khả năng thăng tiến. Chính sách này giúp người lao động tích cực phấn đấu trong công việc, mang lại hiệu quả trong lao động. Bên cạnh đó, chính sách về sự thăng tiến có ý nghĩa trong việc hoàn thiện cá nhân người lao động đồng thời đối với doanh nghiệp nó là cơ sở để giữ gìn và phát huy lao động giỏi và thu hút lao động khác đến với cơ quan, doanh nghiệp.

- Môi trường làm việc phù hợp:
Trong bất cứ một cơ quan, tổ chức, đơn vị nào, để thu hút, phát triển nguồn nhân lực cần có chế độ trả lương và khen thưởng thích đáng với năng lực, trình độ và những đóng góp của cá nhân đối với tổ chức. Đào tạo, phát triển chức nghiệp của các cá nhân trong tổ chức và tạo cơ hội để mỗi cá nhân, đặc biệt là những người có năng lực (người tài) được thử sức mình với những việc làm khó, thách thức, v.v… là những yếu tố quan trọng trong nhóm yếu tố nguồn nhân lực mà các tổ chức cần quan tâm. Thực tế hiện nay tại tỉnh chính sách trả lương vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút, phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh An Giang vẫn trả lương theo ngạch, bậc đối với người có trình độ sau đại học vào công tác tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Nhìn chung, đội ngũ lãnh đạo, quản lý giỏi, năng động, sáng tạo trong cơ quan, tổ chức; cơ cấu tổ chức hợp lý với sự kết hợp tốt trong nội bộ và bên ngoài cơ quan, tổ chức, v.v là những điều kiện cực kỳ quan trọng đối với việc thu hút, giữ chân những người có tài năng mà bất kỳ đơn vị nào ở An Giang cũng cần đặc biệt chú ý trong quá trình xây dựng đơn vị và phát triển kinh tế địa phương.

Tóm lại, hiệu quả sử dụng và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Trong phạm vi nghiên cứu của tham luận đã trình bày 6 yếu tố. Đầu tiên, là yếu tố giáo dục và đào tạo, đây là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng sản xuất, quyết định sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thứ hai, là yếu tố kinh tế - xã hội; thứ ba, khoa học và công nghệ; yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa; yếu tố toàn cầu hóa; yếu tố tổ chức. Tóm lại, mỗi yếu tố đều ảnh hưởng lên sự phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Cần nhìn nhận đúng đắn vai trò của các yếu tố để từ đó có sự tác động hợp lý nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Học viện Kinh tế - Năng lượng
Nguồn: Liên hiệp Khoa học Kinh tế - Đô thị Nam bộ

[1] Ngọc Minh - Hữu Trực, UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thực hiện năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2015, Cổng thông tin điện tử An Giang.
[2] Ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Báo cáo: Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ năm 2015, Cổng thông tin điện tử An Giang.

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Mã bảo mật   

Hỗ trợ trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây